Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng dệt may Việt Nam

Một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành dệt may là tăng cường liên kết tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng.
Đầu năm 2012, ngành dệt may Việt Nam đã khởi động với nhiều đơn hàng, tuy nhiên chỉ tập trung ở những đơn vị có năng lực sản xuất khá, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có đơn hàng do còn hạn chế trong việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cho quy trình sản xuất ngày càng chặt chẽ và áp lực cạnh tranh.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mức tăng trưởng tính theo từng tháng của ngành có dấu hiệu sụt giảm vào các tháng cuối năm 2011, từ mức 30% hồi đầu năm xuống còn 10% vào quý cuối cùng.

Bên cạnh đó, nhập khẩu dệt may Việt Nam vào các thị trường chính có sự sụt giảm đáng kể, kim ngạch nhập khẩu vào thị trường EU tăng 10%, Mỹ là 6%, Nhật Bản chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, những thị trường trên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sụt giảm nhu cầu nhập khẩu. Do đó, trong năm 2012, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu ở mức khoảng 15-15,5 tỷ USD và dự kiến có thể tăng trưởng ở mức từ 10-12,5%.

Nhằm khắc phục khó khăn và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cho ngành dệt may, nhiều giải pháp đã được hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến và doanh nghiệp đưa ra.

Các giải pháp đó là tăng cường liên kết tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng và đánh giá thông tin thị trường, củng cố giá trị gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống, xây dựng chương trình nghiên cứu khai thác các thị trường mới như Liên bang Nga, Canada và các nước ASEAN. Đồng thời, mở rộng diện tích vùng trồng bông phục vụ với mục tiêu cuối năm 2012 đạt diện tích 15.000ha, góp phần tạo nền tảng vững bền cho sản xuất.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, thị trường nội địa đang được chú trọng với chất lượng, mẫu mã, thiết kế, thương hiệu không ngừng được nâng cao và đem lại diện mạo mới cho hàng dệt may trong nước. Đây là một trong giải pháp hiệu quả để góp phần tăng trưởng cho ngành.

Trong năm 2012, các hãng sẽ triển khai nhiều hoạt động để phát triển thương hiệu và mẫu mã tại thị trường nội địa, với mục tiêu đảm bảo phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước; mở rộng hệ thống tiêu thụ rộng khắp cả nước, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Một số thương hiệu đã tạo được uy tín, chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước như Sanciaro, Sanding, Thái Tuấn, Foci, Vera, Wow./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục