Kỷ nguyên than trên vùng quê lúa Thái Bình

Một kỷ nguyên than sẽ bắt đầu với Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là với Thái Bình, một tỉnh còn thuần nông nhưng trong lòng chứa trữ lượng than lên đến hàng chục tỷ tấn.

Trong chiến lược phát triển ngành than đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã nhắm đến bể than Đồng bằng sông Sồng.

Theo TKV, miền võng Hà Nội với 2.500km2 được dự báo là có trữ lượng than lên đến 210 tỷ tấn. Riêng dải nâng Khoái Châu, Tiền Hải chứa 100 tỷ tấn. Diện tích có triển vọng với 1.200km2 chứa 65 - 75 tỷ tấn.

Như vậy, cùng với mấy nghìn năm cây lúa nước là nguồn sống cơ bản nhất của cư dân Đồng bằng sông Hồng, thì nay, dưới những cánh đồng lúa phì nhiêu kia, sẽ là than, là điện.

Một kỷ nguyên than sẽ bắt đầu với Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là với Thái Bình, một tỉnh đến thời điểm này còn gần như là thuần nông. Trong lòng đất Thái Bình, liền một dải từ Hưng Hà, qua Đông Hưng, tới Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy là một bể than chứa tới 65 tỷ tấn; đủ khai thác bằng công nghệ hiện đại cho hơn 100 năm. Một trăm năm than sẽ bắt đầu với Thái Bình và liệu có thay thế cho những ngàn năm lúa?

Than đã thực sự là một vận hội, nhưng cũng bao hàm cả những băn khoăn và lo lắng. Một vùng quê lúa đẹp như dải lụa được hình thành bởi hai con sông mẹ là sông Hồng và sông Trà Lý sẽ được thay bằng một vùng than mù mịt khói bụi? Những cánh đồng lúa, như một thế mạnh, một nét riêng của Thái Bình sắp tới sẽ biến thành những công trường khai thác than? Sẽ có những đô thị than như Hạ Long, Cẩm Phả, những thị trấn than, thị xã than như Uông Bí, Vàng Danh?

Nhưng đó là việc quá lo xa, mọi hình dung của thời hiện tại sẽ không đúng với tương lai. Với công nghệ khai thác hiện đại, lúa vẫn là lúa, than vẫn là than. Thậm chí than còn “trợ lực” cho lúa phát triển tới một nền nông nghiệp hiện đại.

Dù rằng trong lòng đất Thái Bình là một tiềm năng, tiềm lực công nghiệp vô cùng lớn, thì trên mặt đất, hình hài ruộng lúa vẫn không thay đổi diện mạo. Thái Bình sẽ vẫn mang nét đặc trưng từ ngàn xưa, duyên dáng như tà áo trong làn điệu chèo làng Nguyễn. Tiềm lực từ lòng đất được đánh thức, hóa thành khí, điện, dầu, phân đạm.

Thái Bình, ngoài lúa, sẽ là một tỉnh có nền công nghiệp phát triển. Một trăm năm của kỷ nguyên than sẽ biến Thái Bình thành một tỉnh công nghiệp hàng đầu về than, điện, khí của đất nước.

Nêu ra những băn khoăn của dân với Bí thư Huyện ủy Tiền Hải Phạm Văn Xuyên, một người con của biển. Vẫn kiểu “ăn sóng nói gió”, anh bảo tôi, đồng ruộng là cốt lõi của đời sống dân Thái Bình từ muôn đời, nay làm “tam nông” ruộng đồng càng có giá trị cao hơn nữa.

Việc giữ gìn những cánh đồng cũng là giữ gìn sự ổn định của đời sống nông dân, là vấn đề chiến lược. Không thể vì than hay vì bất kỳ cái gì khác mà mất lúa. Vì vậy, trong định hướng phát triển ngành than ở Thái Bình, việc ưu tiên hàng đầu là hạn chế tối đa những tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường kinh tế xã hội. Có nghĩa là phải giữ lúa, giữ làng.

Phó Bí thư Huyện ủy Trần Thế Nghiêm cho biết hiện nay nhiều nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng công nghệ khí hóa than ngầm dưới lòng đất, gọi là công nghệ UCG. Ưu thế của công nghệ này là sẽ nâng được tổng trữ lượng có khả năng khai thác lên. Hơn nữa, sản phẩm là khí tổng hợp có giá trị sử dụng cao hơn rất nhiều so với sản phẩm của các công nghệ khai thác lộ thiên hoặc khai thác hầm lò.

Khí tổng hợp thu được từ UCG cho phép áp dụng các công nghệ phát điện tiên tiến và hiện đại nhất. Mà than ở bể than Đồng bằng sông Hồng có tính chất như mềm, chất bốc cao, nhiệt năng cao, độ ẩm và lưu huỳnh thấp, rất phù hợp cho phát điện.

Theo TKV thì than Đồng bằng sông Hồng có thể sử dụng hiệu quả cho phát điện, sản xuất xi măng, phân bón, luyện kim đen, luyện kim màu và dùng làm chất đốt sinh hoạt…Những nhà máy điện đạm, thậm chí cả những nhà máy xi măng, luyện kim sẽ ra đời trên những cánh đồng của Tiền Hải, Thái Thụy, Đông Hưng, Hưng Hà. Công nghiệp thật sự đã gõ cửa vùng quê lúa. Thái Bình, với 100 năm than, một kỷ nguyên mới bắt đầu./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục