Nội dung chính dự thảo nghị quyết trừng phạt Iran

Bản nghị quyết mở rộng các biện pháp trừng phạt chống Iran bằng cách đánh vào ngành ngân hàng và các ngành công nghiệp nước này.
Ngay sau khi Nhóm P5+1 (gồm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ cùng với Đức) nhất trí về một dự thảo nghị quyết trừng phạt Iran, chiều 18/5, toàn bộ 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã họp kín để xem xét văn kiện này.

Bản nghị quyết dày 10 trang mở rộng các biện pháp trừng phạt chống Iran bằng cách đánh vào ngành ngân hàng và các ngành công nghiệp khác của Tehran nên tiếp tục đón nhận những phản ứng trái chiều từ các nước.

Dự thảo nghị quyết mới cấm các quốc gia bán vũ khí hạng nặng cho Iran như xe tăng, xe bọc thép, máy bay chiến đấu, tàu chiến và tên lửa; cấm Iran có bất kỳ hoạt động nào liên quan tới tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân; cấm Iran đầu tư vào những hoạt động nhạy cảm ở nước ngoài, như vào các mỏ urani.

Dự thảo nghị quyết cho phép kiểm tra các tàu thuyền, cả khi neo đậu lẫn khi đang lưu thông trên biển, nếu nghi ngờ chúng vận chuyển vũ khí thông thường hoặc những bộ phận tên lửa hạt nhân cho Iran.

Văn kiện trên cũng đồng thời hối thúc các nước không cấp phép cho các ngân hàng Iran hoạt động trên lãnh thổ nước mình và ngược lại, kêu gọi các nước đình chỉ mọi hoạt động giao dịch tài chính liên quan tới chương trình phổ biến vũ khí hạt nhân của Iran.

Dự thảo cũng kêu gọi Liên hợp quốc thiết lập một ủy ban giám sát việc thực thi lệnh trừng phạt đối với Iran và đề xuất các biện pháp tăng cường hiệu lực của các biện pháp trừng phạt này.

Dự thảo nghị quyết mới về trừng phạt Iran là kết quả của nhiều vòng tham vấn tại New York giữa Mỹ với 5 nước còn lại trong Nhóm P5+1 kể từ tháng 4/2010.

Theo một nguồn tin ngoại giao tại Liên hợp quốc, bản dự thảo nghị quyết thứ tư về trừng phạt Iran nói trên không đồng nghĩa với việc chấm dứt các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề hạt nhân của Tehran.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông khẳng định các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, nếu được thông qua, sẽ không được nhằm gây tổn hại hoạt động thương mại bình thường với Tehran. Mục đích của các biện pháp trừng phạt là đưa Iran ngồi vào bàn đàm phán.

Ông Lý Bảo Đông tuyên bố đối thoại, ngoại giao và đàm phán là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran.

Trong khi đó, Đại sứ Brazil tại Liên hợp quốc Maria Luiza Ribeiro Viotti tuyên bố nước này sẽ không thảo luận về dự thảo nghị quyết trừng phạt Iran. Bà Maria nhắc tới thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân đã được lãnh đạo ba nước Iran, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ ký hôm 17/5, coi đây là cơ hội để đối thoại.

Từ Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ Latinh ở Madrid của Tây Ban Nha, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ thông báo muốn tham gia quá trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran cùng với Nhóm P5+1.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 18/5 đánh giá thỏa thuận trao đổi hạt nhân trên là một bước tiến tích cực trong việc xây dựng niềm tin nếu được thực hiện cùng với sự can dự lớn hơn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và cộng đồng quốc tế.

Ông kêu gọi Iran tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và hợp tác đầy đủ với IAEA.

Trước đó một ngày, Iran đã ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil về chuyển urani làm giàu cấp độ thấp sang Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy nhiên liệu hạt nhân cho một lò phản ứng ở Tehran. Dư luận coi thỏa thuận này là một "bước tiến tích cực"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục