Tăng cường trừng phạt, thu hồi của cải tham nhũng

Chống tham nhũng cần gắn các biện pháp ngăn chặn với trừng phạt nặng, trong đó thu hồi tài sản tham nhũng phải là biện pháp ưu tiên.
Trong báo cáo công bố tại cuộc thảo luận chung của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64, Tổng Thư ký Liên hợp quốc và đại diện các nhóm nước khu vực đều nhấn mạnh rằng tham nhũng và nguồn tài chính bất hợp pháp có được từ tham nhũng đang là trở ngại lớn cho tiến trình phát triển bền vững và tiến bộ xã hội.

Các ý kiến phát biểu đều khẳng định Liên hợp quốc cần tiếp tục thúc đẩy thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng vì tệ nạn này đang trở thành thảm họa của nhân loại.

Cho đến nay đã có 141 nước phê chuẩn Công ước trên.

Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã nêu bật một số kinh nghiệm chống tham nhũng ở một số nước và khu vực. Các chiến lược chống tham nhũng cần gắn các biện pháp ngăn chặn với trừng phạt nặng, trong đó việc thu hồi tài sản tham nhũng cần phải là biện pháp ưu tiên.

Trong khi tham nhũng trở thành tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác quốc tế chống tham nhũng cần được thúc đẩy đặc biệt trong việc bắt giữ, trừng phạt và thu hồi nguồn của cải tham nhũng.

Nguồn tài chính bất hợp pháp có được từ tham nhũng ở các nước đang phát triển lớn gấp 8-10 lần tổng số viện trợ phát triển ODA hàng năm trên toàn cầu.

Đại diện các khu vực cũng nhấn mạnh một chính phủ trong sạch, sự liêm chính, minh bạch và trách nhiệm… là những điều kiện cần thiết để cuộc chiến chống tham nhũng thành công.

Những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực này giúp tạo ra một cơ chế quốc tế mạnh để thực hiện hiệu quả hơn Công ước chống tham nhũng.

Các nước cần tăng cường hợp tác với các thể chế tài chính quốc tế để được tư vấn, truy tìm nguồn tài chính tham nhũng, trừng phạt các cá nhân, tổ chức tham nhũng trong phạm vi quốc gia và quốc tế./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục