LHQ muốn tăng “đối tác toàn cầu vì sự phát triển”

Quyền Chủ tịch ĐHĐ LHQ kêu gọi các nước thành viên tổ chức này tiến tới đổi mới và tăng cường “Đối tác toàn cầu vì sự phát triển.”
Ngày 9/12, tổng kết Cuộc đối thoại cấp cao lần thứ 5 về tài trợ phát triển tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Quyền Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Gary Francis Quinlan kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc coi những kết quả đạt được tại Cuộc đối thoại là bước quan trọng, tiến tới đổi mới và tăng cường “Đối tác toàn cầu vì sự phát triển.”

“Đối tác toàn cầu vì sự phát triển" đã được khởi động theo “Đồng thuận Monterrey” tại Hội nghị Liên hợp quốc về tài trợ phát triển năm 2002 ở thành phố Monterrey (Mexico) và Tuyên bố Doha (Qatar) sau đó.

Ông Quinlan nhấn mạnh thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chương trình nghị sự tài trợ phát triển là đặc biệt quan trọng để tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) kết thúc đúng hạn vào năm 2015. Hợp tác phát triển không phải là từ thiện mà phải là đầu tư thông minh vào an ninh và thịnh vượng.

Khủng hoảng kinh tế không được phép làm trệch hướng những cam kết đối với các nước nghèo đang phát triển. Hàng loạt ý tưởng, sáng kiến và đề nghị được các nước nêu lên tại Cuộc đối thoại sẽ là đầu vào quan trọng để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) tại Brazil năm 2012.

Cuộc đối thoại cũng đã khẳng định sự cần thiết và tương hợp của chương trình tài trợ phát triển sau thời hạn cuối cùng thực hiện các MDG năm 2015. Quá trình tài trợ phát triển phải tiếp tục thúc đẩy ý thức trách nhiệm, quyền sở hữu quốc gia, các đối tác toàn diện, trọng tâm tập trung vào các thành quả phát triển để tạo cơ hội cho các cơ chế sau tài trợ phát triển thích nghi với các thách thức mới và các vấn đề mới nổi lên.

Đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm bộc lộ những khiếm khuyết trong thực hiện chức năng của nền kinh tế toàn cầu, cũng như nhu cầu khẩn cấp cải tổ cơ cấu tài chính và thương mại quốc tế nhằm kiểm soát nợ, kiềm chế bảo hộ mậu dịch, thúc đẩy đầu tư và buôn bán.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng cho thấy các khái niệm phương Bắc và phương Nam đã là những khái niệm của quá khứ, vì các nước đang phát triển hiện đang trở thành động lực mới của phát triển kinh tế toàn cầu.

Các thách thức toàn cầu mới đòi hỏi phản ứng phối hợp hơn nữa giữa các nước phát triển và đang phát triển, trong đó hợp tác Nam-Nam ngày càng có vai trò quan trọng. Trong bối cảnh kinh tế tài chính toàn cầu dễ đổ vỡ hiện nay, cộng đồng quốc tế cần hợp tác với tầm nhìn đồng nhất về phát triển để đảm bảo thực hiện thành công các cam kết và sử dụng hiệu quả và minh bạch các nguồn tài nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục