IMF thừa nhận những hạn chế của thị trường tự do

Giám đốc IMF Strauss-Kahn cho rằng các lý thuyết tự do dẫn đường cho kinh tế thế giới trong suốt 30 năm qua cần phải được cải tổ.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cho rằng các lý thuyết tự do dẫn đường cho kinh tế thế giới trong suốt 30 năm qua cần phải được cải tổ.

Trong buổi gặp gỡ với các sinh viên ở Washington ngày 4/4, ông Strauss-Kahn cho rằng bộ sách về lý thuyết tự do của Mỹ nhan đề "Washington Concensus," vốn coi trọng tính hiệu quả của kinh tế tự do, nay đã lỗi thời. Điều này được phản ảnh qua những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Ông nói thêm rằng "việc xây dựng đường hướng phát triển kinh tế vĩ mô mới cho một thế giới mới sẽ ít nhiều có ảnh hưởng từ thị trường cho đến quản lý xã hội của nhà nước."

Ông Strauss-Kahn thừa nhận toàn cầu hóa đã giúp hàng trăm triệu người khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng có mặt trái, đó là khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng lên.

Một nghịch lý là trong khi toàn cầu hóa thương mại được liên tưởng với sự ít bất bình đẳng hơn thì toàn cầu hóa trong lĩnh vực tài chính, câu chuyện nổi lên trong những năm gần đây, lại làm tăng thêm sự bất bình đẳng.

Vì vậy, IMF kêu gọi các nước thành viên tư nhân hóa các lĩnh vực công nghiệp do nhà nước điều hành và nới lỏng các quy tắc trong kinh doanh.

Ông Strauss-Kahn nhấn mạnh, về lâu dài, tăng trưởng bền vững đi đôi với phân bổ thu nhập bình đẳng. Thể chế lãnh đạo thế giới mới cần phải chú ý nhiều hơn đến liên kết xã hội.

Việc đánh thuế đối với các hoạt động tài chính là cần thiết nhằm buộc lĩnh vực này tham gia gánh vác những khó khăn của xã hội do lối ứng phó mạo hiểm của hoạt động này gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục