Chứng khoán thế giới biến động không đồng nhất

Các thị trường chứng khoán thế giới tăng nhẹ bất chấp thông tin ngành bán lẻ của Mỹ bất ngờ sụt giảm 0,3% trong tháng 12/2009.
Các thị trường chứng khoán thế giới đã tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 14/1, bất chấp thông tin ngành bán lẻ của Mỹ bất ngờ sụt giảm 0,3% trong tháng 12/2009, trong khi trước đó được kỳ vọng là sẽ tăng 0,5% do đây là dịp mua sắm lớn nhất trong năm vì có kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và đón năm mới.

Đóng cửa ngày 14/1, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều tăng điểm, trong đó Dow Jones có thêm 29,78 điểm (0,28%), lên 10.710,55 điểm, mức chốt phiên cao nhất kể từ ngày 1/10/2008.

Nasdaq tăng 8,84 điểm (0,38%) lên 2.316,74 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008, và Standard & Poor's 500 ghi thêm 2,78 điểm (0,24%) lên mức cao nhất 15 tháng qua là 1.148,46 điểm.

"Cứu" thị trường Phố Wall trong phiên này là thông tin Intel, nhà chế tạo chip lớn nhất thế giới của Mỹ công bố lợi nhuận của hãng trong quý IV/2009 đạt 2,28 tỷ USD, tăng tới 875% so với năm 2008 và vượt xa mức dự kiến của các nhà phân tích. Doanh thu của hãng cũng tăng trưởng vượt bậc.

Theo các chuyên gia, báo cáo lợi nhuận của Intel cùng thông báo của tập đoàn tài chính khổng lồ JPMorgan Chase đã phát đi những tín hiệu tốt lành về sức khỏe của hai ngành này cũng như của toàn bộ nền kinh tế.

Điều này đã giúp các nhà đầu tư tin tưởng vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và thay đổi cách nhìn về nhu cầu chi tiêu đối với các sản phẩm công nghệ.

Giới phân tích cho rằng kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết do các nhà đầu tư đang tỏ ra hết sức thận trọng với tốc độ hồi phục và tăng trưởng bền vững của kinh tế thế giới.

Cùng ngày ở bên kia bờ Thái Bình Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng có một phiên tăng nhẹ, với FTSE 100 của Anh ghi thêm 0,45%, CAC 40 của Pháp tăng 0,37% và DAX của Đức tiến thêm 0,43%.

Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch cuối tuần ngày 15/1, các thị trường chứng khoán châu Á đã không nối tiếp được đà đi lên của các thị trường Mỹ và châu Âu trước đó khi có những biến động không đồng nhất.

Trong khi tại Tokyo, chỉ số Nikkei-225 đóng cửa với mức điểm tăng lên cao nhất trong vòng 15 tháng qua, ở mức 10.982,10 điểm (tương đương tăng 0,68%) và tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite cũng đóng cửa tăng 0,3%, thì tại Hongkong, chỉ số Hang Seng lại giảm 0,29% và là ngày giảm thứ tư liên tiếp của chỉ số này./.

Thùy Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục