Nga-Ấn Độ hợp tác chế tạo tên lửa siêu âm mới

Nga và Ấn Độ chủ trương hợp tác chế tạo loại tên lửa siêu âm mới chưa có đối trọng trên thế giới và tránh được mọi cuộc tấn công.
Nga và Ấn Độ chủ trương hợp tác chế tạo loại tên lửa siêu âm mới chưa có đối trọng trên thế giới và có khả năng tránh được mọi cuộc tấn công của đối phương.

Dự án trên đã được đưa ra thảo luận trong kỳ họp Ủy ban liên chính phủ Nga-Ấn về hợp tác quân sự-kỹ thuật tại thủ đô Mátxcơva trong 2 ngày 13-14/10, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, ông Anatoly Serdiukov và ông Apakkaparambil Kurian Antony.

Kinh phí dành cho dự án chế tạo tên lửa này lên tới hàng tỷ USD.

Loại tên lửa siêu âm mới được chế tạo trên cơ sở hoàn thiện và nâng cấp tên lửa siêu âm BrahMos mà hai bên đã hợp tác chế tạo từ năm 1998 đến nay, nhằm trang bị cho các tàu chiến và các đơn vị bảo vệ bờ biển của Ấn Độ.

Nhiều khả năng trong tương lai, loại tên lửa này cũng sẽ được trang bị cho các máy bay tiêm kích Su-30MKI và các tàu ngầm. Tên lửa BrahMos có tầm bắn 300km, tốc độ 750m/giây - nhanh gấp 3 lần so với tên lửa Tomahawk của Mỹ và có thể bay cao tới 14.000m, có khả năng tự tìm kiếm và tiêu diệt mọi mục tiêu trên biển.

Ngoài việc mua tàu sân bay "Đô đốc Gorshkov" được hiện đại hóa của Nga, phía Ấn Độ còn muốn hợp tác với Nga để chế tạo các máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm.

Ấn Độ đang chủ trương hiện đại hóa hàng loạt máy bay tiêm kích hạng nặng Su-30MKI của không quân nước này. Hiện không quân Ấn Độ có hơn 100 máy bay Su-30MKI và vấn đề hiện đại hóa chúng sẽ được nêu ra tại kỳ họp lần này tại Mátxcơva./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục