Bài học quản lý rừng

Vụ tai nạn tại Nghệ An: Bài học về quản lý rừng

Vụ tai nạn xe chở gỗ ở Nghệ An đã để lại nhiều bài học đắt giá cho công tác quản lý cán bộ, cũng như quản lý và bảo vệ rừng.
Trong những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao về vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông (Nghệ An) làm chết 10 người, bị thương 8 người. Vụ tai nạn thu hút sự quan tâm của dư luận bởi số lượng người chết nhiều và tính chất, mức độ vi phạm cũng khác so với những vụ tai nạn thông thường khác vì có sự “nhúng chàm,” tham gia, tiếp tay của chính lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.

[Lật xe chở gỗ ở Nghệ An làm 10 người thiệt mạng]

Vụ tai nạn xảy ra vào rạng sáng 7/12, trên Quốc lộ 48C, đoạn qua xã Bình Chuẩn, huyện Tương Dương, khi xe ôtô 37V-3851 chở gỗ cùng 18 người. Khi tai nạn mới xảy ra, xe lật đổ, gỗ rơi xuống, có người chết, nhưng đã có những người vội vàng chạy trốn khỏi hiện trường và được đồng bọn “bốc” đi ngay. Đây là dấu hiệu không bình thường đối với một vụ tai nạn.

Sau khi tai nạn xảy ra, dư luận đặt nghi vấn về những bất thường này, nhất là trong bối cảnh xe ôtô bị tai nạn đang là xe chở đầy gỗ. Vào thời điểm sau vụ tai nạn, ông Lê Cao Bính, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Nghệ An đã khẳng định số gỗ trên xe là gỗ lậu, vì chỉ có chở gỗ lậu mới đi vào rạng sáng, với biểu hiện bất thường như vậy, nếu là gỗ hợp pháp thì vận chuyển vào thời điểm đó làm gì để gặp nguy hiểm.

[Bắt Hạt trưởng kiểm lâm liên quan đến vụ lật xe gỗ]

Khi tai nạn xảy ra, người dân ở gần đến ứng cứu tai nạn cũng đã kịp thời phát hiện trong số những người trốn khỏi hiện trường có người đang mặc sắc phục kiểm lâm. Lần tìm thêm, người dân và các cơ quan chức năng phát hiện được cầu vai của cán bộ kiểm lâm rơi tại hiện trường. Manh mối vụ tai nạn khác thường này bước đầu được xác định. Cơ quan công an Nghệ An đã vào cuộc điều tra một cách quyết liệt, quyết tìm ra sự thật để xử lý đúng người, đúng tội. Ông Hồ Đức Phớc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đề nghị công an và các ngành chức năng kiên quyết điều tra, không bỏ sót, lọt người vi phạm, bất kể đó là ai.

[Vụ xe gỗ lật: Bắt, triệu tập nhiều cán bộ kiểm lâm]

Quan điểm rõ ràng như trên nên từ sau vụ tai nạn xảy ra, bằng cách biện pháp nghiệp vụ, cơ quan cảnh sát điều tra công an Nghệ An đã ra lệnh bắt khẩn cấp 4 cán bộ kiểm lâm là: Đào Công Thắng, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Trung tâm; Nguyễn Kim Hùng (kiểm lâm viên); Phan Sỹ Tuấn (Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Nga My); Trịnh Thanh Long (Phó Giám đốc, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Pù Huống). Lái xe Vương Đình Hạnh cũng đã bị bắt để phục vụ công tác điều tra. Rồi đây, trong quá trình điều tra có thể sẽ còn có những cá nhân nữa bị lôi ra ánh sáng.

Vụ tai nạn xảy ra đang để lại nhiều bài học đắt giá cho công tác quản lý cán bộ, cũng như công tác quản lý và bảo vệ rừng. Nghệ An là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất nước, với nguồn tài nguyên rừng rất lớn. Từ nhiều năm nay, nguồn tài nguyên rừng luôn được nhiều đối tượng "nhòm ngó", sẵn sàng dùng mọi cách để khai thác cho được những nguồn lợi từ rừng. Điều đáng phê phán, đã có một số cán bộ kiểm lâm thoái hóa, biến chất, sẵn sàng cấu kết, tiếp tay cho lâm tặc để phá rừng. Để đưa được gỗ từ rừng ra, bọn lâm tặc và những cán bộ quản lý, bảo vệ rừng thoái hóa, biến chất có muôn vàn “kế sách” để hợp pháp hóa số gỗ khai thác hoặc mua bán trái phép, tạo điều kiện để đưa gỗ đi qua các trạm kiểm lâm một cách trót lọt. Như trong vụ việc vừa qua, để “an tâm” hơn, các cán bộ kiểm lâm còn sẵn sàng ngồi trên xe để “áp tải” gỗ.

Dư luận lên án những người có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng lại trở thành bảo kê, tiếp tay cho phá rừng. Tại Nghệ An, nạn phá rừng đang để lại nhiều hậu quả xấu về ô nhiễm môi trường, lũ quét, sạt lở đất đá, bờ sông… Hành động phá rừng không chỉ đơn thuần phá một diện tích rừng tại nơi có rừng mà đang vô tình tạo điều kiện cho những hậu quả xấu về môi sinh, môi trường và làm gia tăng lũ quét. Thực tế, năm nào tại các huyện miền núi Nghệ An cũng xuất hiện những trận lũ quét kinh hoàng, gây nhiều thiệt hại về người và của.

Lật ngược lại vụ việc, nếu tai nạn không xảy ra thì chắc chắn những khối gỗ trên lại trót lọt qua các trạm kiểm lâm. Lúc đó, tiền và lợi nhuận từ rừng lại rơi vào chính những cán bộ kiểm lâm và lâm tặc nhờ biết cấu kết với nhau. Dư luận đặt nghi vấn, vụ việc bây giờ mới phát hiện ra, liệu những năm tháng trước có có tình trạng kiểm lâm thoái hóa, biến chất, bảo kê cho lâm tặc và vận chuyển gỗ trái phép như vậy không?

Từ một vụ tai nạn giao thông đang để lại nhiều bài học đắt giá cho địa phương. Rõ nhất là công tác quản lý bảo vệ rừng, vận chuyển lâm sản tại địa phương đang bộc lộ nhiều bất cập. Vẫn có những kẽ hở để những cán bộ kiểm lâm biến chất tìm cách cấu kết với lâm tặc phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép./.

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục