Tờ rơi tung “chiêu độc”

Tờ rơi tung nhiều “chiêu độc” bủa vây điểm thi

Nhiều đơn vị phát tờ rơi nghĩ ra đủ các "chiêu độc" để thu hút phụ huynh tại các điểm thi đại học cũng như "né" lực lượng chức năng.
Nhiều năm nay, sĩ tử thêm bực mình bởi vấn nạn phát tờ rơi quanh các điểm thi Đại học và tình trạng nhận xong rồi ném bỏ bừa bãi đã trở thành phổ biến. Năm nay, để tránh việc phát tờ rơi xong, sĩ tử ngay lập tức vứt bỏ và bị lực lượng an ninh “soi,” nhiều đơn vị đã nghĩ ra “chiêu thức” mới mẻ như phát hồ sơ tuyển sinh, "quạt rơi"... Len lỏi “tấn công” Khoảng 7 giờ sáng, tại khu vực Trường Đại học Thủy lợi, một “đội quân” phát tờ rơi đã có mặt và ngay lập tức “chăm sóc” cả sĩ tử lẫn phụ huynh bằng những lời tư vấn tìm kiếm việc làm giá cao, cơ hội vào trường này, trường nọ… Vị trí lựa chọn để “tiếp cận” mục tiêu của lực lượng phát tờ rơi là phụ huynh ngồi xa với khu vực nhiều công an, sinh viên tình nguyện. Đa phần người đi phát tờ rơi là sinh viên. Nội dung các tờ rơi, tờ bướm hay chỉ mẫu giấy nhỏ được in ấn chủ yếu là thông báo tuyển sinh, xét tuyển vào các trường trung cấp, trường đào tạo nghề tư nhân. Bên cạnh đó, cũng có những tờ rơi, “cuốn rơi” quảng cáo về quán ăn, tuyển nhân viên hay mua hàng giảm giá. Mỗi khi chạm mặt lực lượng công an, hoặc sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi ra nhắc nhở, đội quân phát tờ rơi nhanh chóng lui về vị trí. Thế nhưng, khi lực lượng này quay lưng, lập tức lực lượng này lại tiếp tục len lỏi để làm việc. Ở một số điểm thi bị mưa to, ngay sau khi ngớt, "lực lượng tờ rơi" cũng xuất hiện và phát tán. Tuy nhiên, khi nhận các loại tờ rơi này, nhiều phụ huynh đã thẳng tay vứt tờ rơi xuống đường, bởi nội dung không phục vụ được cái mong muốn lớn nhất mà họ đang cần biết là con em họ có làm bài tốt hay không… Đang loay hoay, đứng ngồi không yên vì lo khả năng làm bài của cậu ấm bên trong trường Đại học Khoa học Tự nhiên, anh Phan Bá Minh bất ngờ được một cô gái tiến tới nhét tờ rơi vào tay. Lập tức, anh Minh trả lại tờ rơi, nói xẵng: “Con tôi đi thi chứ không phải đi xin việc.” Nhưng cũng có nhiều phụ huynh, lẳng lặng liếc qua nội dung tờ rơi vừa mới nhận rồi… kê xuống ngồi cho đỡ bẩn quần.


Sau khi phát hồ sơ tuyển sinh, cô gái trẻ ngay lập tức hỏi thông tin, số điện thoại của phụ huynh.
(Ảnh: PV/Vietnam+)

Xuất hiện “quạt rơi”

Để tránh việc phát tờ rơi xong sĩ tử ngay lập tức vứt bỏ, nhiều đơn vị đã nghĩ ra “chiêu thức” mới mẻ như phát cẩm nang, làm thành quạt.
Theo quan sát của phóng viên, khoảng 7 giờ 30 sáng, tại điểm thi Đại học Xây dựng Hà Nội, hai cô gái trẻ khệ nệ bưng một thùng carton đặt ở vỉa hè. Sau khi đã dựng xe máy vào một chỗ, các cô nhanh nhảu “moi” ra một đống quạt nhựa, phát cho phụ huynh ngồi “quạt cho mát.” Ở cổng trường Đại học Thủy lợi, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cũng vậy. Cùng với các tờ rơi, tờ bướm “truyền thống” thì những Hồ sơ xét tuyển của một số trường quốc tế cũng được phát không. Sau khi phát, những cô nhân viên trẻ không quên xin tên, địa chỉ cũng như điện thoại của người nhận để làm “hồ sơ.” Một phụ huynh cho biết, do “dại dột” cho số điện thoại ở kỳ thi Tốt nghiệp vừa rồi, anh đã nhận được nhiều cú điện thoại mời mọc cho con đến học ở trường này, trường khác. Cầm trên chiếc quạt nhỏ, to gấp rưỡi bàn tay người lớn có in khá đẹp thông tin về một trường Cao đẳng vừa nhận được, chị Hòa, một phụ huynh hể hả bảo, quảng cáo như thế này cũng… được. Đã có “thâm niên” 2 năm đưa con đi thi đại học, chị Hòa thấu hiểu được cảnh mình phải cầm đến hàng chục tờ rơi. “Không cầm thì bất lịch sự, cầm thì cũng chỉ để… kê cái chỗ ngồi rồi vứt bỏ,” chị nói. Lần này, chị Hòa vẫn nhận được “một cơ số” những tờ rơi nhưng nhận được “quạt rơi” thì mới là lần đầu. Anh Nguyễn Văn Vi, một phụ huynh đến từ Yên Bái thì cho hay, cái quạt nhựa nhỏ sẽ được anh mang về quê. Bởi lẽ, đi ôtô cũng khá nóng nên không có lý do gì để vứt cái quạt này đi cả. Tuy nhiên, những thông tin in trên đó thì anh chẳng mấy quan tâm. Thế nhưng cũng không ít chiếc quạt bị ném vương vãi dưới lòng đường, vỉa hè. Ở một số điểm thi khác, nhiều “cao thủ tờ rơi” cũng thực hiện nhiều “chiêu” tương tự để đưa thông tin mình mong muốn đến các phụ huynh và sĩ tử. Thậm chí, có “đội ngũ” phát tờ rơi còn mặc áo xanh tình nguyện để hạn chế lực lượng an ninh đi dẹp. Và đương nhiên, người nhận không ngần ngại “quăng” ngay những thông tin không cần thiết mình vừa “phải nhận” xuống đường hoặc gốc cây. “Báo chí nói mãi rồi, tôi cho rằng đã đến lúc cơ quan chức năng cần phải phạt nặng việc phát tờ rơi mỗi dịp thi cử. Có như vậy mới đỡ cảnh thí sinh vừa thi mệt vừa phải nhận thứ mình không muốn và chúng tôi không phải vất vả nhặt thứ rác này,” một công nhân vệ sinh đô thị bức xúc./.
Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục