CIF giúp các nước châu Á-TBD chống biến đổi khí hậu

Quỹ Đầu tư Khí hậu (CIF) vừa hỗ trợ 160 triệu USD giúp các nước đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.
Quỹ Đầu tư Khí hậu (CIF) vừa quyết định dành 160 triệu USD tín dụng hỗ trợ các nước đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, thông qua việc mở rộng tiếp cận với năng lượng tái tạo, quản lý rừng và nâng cao năng lực phục hồi trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Phó Tổng vụ trưởng phát triển khu vực và bền vững của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Woochong Um nói rằng vào thời điểm khi nhu cầu tài chính cho các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu vượt xa nguồn cung, thì quyết định của CIF là một sự tài trợ đáng kể cho các nước châu Á-Thái Bình Dương, vốn được cảnh báo sẽ là những nước chịu nguy cơ và thiệt hại cao nhất từ biến đổi khí hậu.

Trong số các nước trong khu vực sẽ nhận được tài trợ tín dụng từ CIF, Indonesia được phân bổ 70 triệu USD trong khuôn khổ “Chương trình đầu tư lâm nghiệp” (FIP) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rừng và thải khí cácbon từ rừng.

Maldives được cấp 30 triệu USD theo “Chương trình mở rộng quy mô năng lượng tái tạo ở các nước có thu nhập thấp” để thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo, với công suất 26 MW dành cho thủ đô Male và 30 hòn đảo xa xôi hẻo lánh, giúp quốc đảo này giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và tiến tới hình thành một nền kinh tế năng lượng cácbon trung tính.

Papua New Guinea được hỗ trợ 30 triệu USD trong khuôn khổ “Chương trình thí điểm ứng phó khí hậu” (PPCR), nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng trước các mối đe dọa từ khí hậu và tăng cường năng lực quốc gia đối phó với thiên tai.

Tajikistan được phân bổ 10 triệu USD để cải thiện khả năng phục hồi của ngành cấp thoát nước.

Ngoài ra các nước Campuchia, Nepal, Samoa và Tonga mỗi nước được tài trợ 5 triệu USD.

Theo ông Woochong Um, cho đến nay CIF đã nhận được 7,2 tỷ USD đóng góp từ 14 nước tài trợ và đã dành trên 6 tỷ USD cấp tín dụng cho 48 nước đang phát triển trong hơn 200 dự án liên quan đến biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, ADB đóng vai trò là kênh đối tác của CIF trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đồng tài trợ từ các nguồn lực của mình cho các nước đang phát triển ở châu Á-Thái Bình dương trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ADB, CIF còn tài trợ thông qua các kênh đối tác khác là Ngân hàng Phát triển châu Phi (AFDB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IADB), và các chi nhánh công-tư của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG)./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục