Ngày càng bị đe dọa

Nguồn nước ở châu Á-TBD ngày càng bị đe dọa

Liên hợp quốc cảnh báo các nguồn nước ở châu Á-Thái Bình Dương ngày càng bị đe dọa bởi ô nhiễm, dân số gia tăng và các thảm họa.
Ngày 14/3, Liên hợp quốc cảnh báo các nguồn nước ở châu Á-Thái Bình Dương ngày càng bị đe dọa bởi ô nhiễm, dân số gia tăng và các thảm họa thiên nhiên.

Ô nhiễm từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, từ các hộ gia đình đang gây nguy hại cho nguồn nước trong tương lai ở khu vực dân số đông nhất thế giới này.

Trong nghiên cứu mới nhất vừa công bố, Liên hợp quốc nhận định dân số tăng nhanh, đô thị hóa nhanh chóng, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đã kéo theo nhu cầu sử dụng nguồn nước khổng lồ, tạo sức ép rất lớn đối với hệ sinh thái dưới nước cũng như nguồn nước sạch ở châu Á-Thái Bình Dương. Khả năng tự làm sạch của hệ sinh thái trong khu vực ngày càng suy giảm do chất lượng nguồn nước ngày càng tồi tệ.

Mặc dù các nguồn nước thải bị ô nhiễm nặng nề và chứa nhiều hóa chất độc hại đối với môi trường và con người nhưng chỉ 15-20% nguồn nước thải trong khu vực được xử lý.

Tính riêng khu vực đô thị, tổng nguồn nước thải đã lên tới 250 triệu m3/ngày. Các nước giàu nguồn nước như Malaysia, Indonesia, Butan, Papua New Guinea... hiện đứng trước nguy cơ lớn về nguồn cung cấp và chất lượng nước do dân số tăng kéo theo nhu cầu tiêu dùng nước tăng nhanh, môi trường bị suy thoái, quản lý nguồn nước yếu kém, sử dụng quá mức các nguồn nước ngầm...

Nghiên cứu của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh những thay đổi của khí hậu và các điều kiện thời tiết cực đoan đang tăng lên đã tác động nghiêm trọng đến nguồn nước ở châu Á-Thái Bình Dương, khu vực dễ bị tổn thương nhất trước các thảm hoạ tự nhiên với các dự báo lũ lụt và hạn hán sẽ tăng mạnh cả về tần số và cường độ.

Liên hợp quốc ghi nhận những nỗ lực của các nước châu Á-Thái Bình Dương nhằm chuyển đổi các mô hình sản xuất và tiêu dùng nước không bền vững sang mô hình phát triển xanh. Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, phi tập trung hóa quản lý nguồn nước và các dịch vụ vệ sinh, tái quay vòng và tái sử dụng nước, thu gom nguồn nước mưa... là những giải pháp đầy hứa hẹn duy trì nguồn nước ở khu vực nông thôn.

Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2009, ngoài số người chết do tác động của sóng thần, châu Á-Thái Bình Dương đã có tới 20.451 người bị chết hàng năm do các thảm họa liên quan đến nước, chiếm 85% số người chết vì các thảm họa này trên toàn cầu.

Các điều kiện thời tiết cực đoan làm phương hại đến việc tiếp cận nguồn nước và điều kiện vệ sinh. Hạn hán làm giảm nguồn nước sạch và lũ lụt phá hoại cơ sở hạ tầng nguồn nước và làm lây lan các dịch bệnh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục