EC hối thúc Italy thực hiện "thắt lưng buộc bụng"

EC hối thúc Italy thực hiện kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" do lo ngại khủng hoảng nợ công sẽ nhấn chìm nền kinh tế lớn thứ 3 Eurozone.
Do lo ngại cuộc khủng hoảng nợ công sẽ nhấn chìm nền kinh tế lớn thứ 3 trong Khu vực đồng euro (Eurozone), ngày 7/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc Italy nhanh chóng thực hiện kế hoạch "thắt lưng buộc bụng."

EC cho biết ngày 9/11 sẽ cử các quan sát viên tới Rome để giám sát việc chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi thực hiện cam kết cắt giảm núi nợ công đã lên tới gần 1.900 tỷ euro, tương đương với 120% GDP.

Trong khi đó, Thủ tướng Luxembourg, Chủ tịch Nhóm bộ trưởng tài chính Eurozone Jean - Claude Junker tuyên bố sẽ phối hợp với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng cường giám sát nền kinh tế Italy.

Chia sẻ quan điểm trên, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn nhấn mạnh đối với Italy, điều quan trọng sống còn hiện nay là phải thực hiện chính sách tài khóa như đã cam kết để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.

Italy đang phải đối mặt với sức ép lớn chưa từng có từ các thị trường, khi lãi suất vay mượn của nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục hôm 7/11, tương đương mức mà khiến Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland phải cầu viện gói cứu trợ quốc tế trị giá hàng chục tỷ euro từ EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Trước đó, Italy đã đề nghị IMF giám sát các chính sách kinh tế của nước này, đồng nghĩa với việc Italy hiện phải đối mặt với sự kiểm soát của "bộ ba" định chế đã "ra tay" cứu trợ cho các nước Eurozone, gồm Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland.

Tờ Libération (Pháp) nhận xét rằng châu Âu đang cố sức xây dựng một "bờ đê" bao quanh Italy, hòng ngăn chặn khủng hoảng lan rộng. Bởi vì, nếu Italy sụp đổ thì sẽ đến lượt Pháp là nước kế tiếp và sau đó là toàn bộ Eurozone. Mặt khác, qua việc đặt Italy nằm dưới sự giám sát của các tổ chức quốc tế có uy tín, Brussels hy vọng sẽ trấn an được các nhà đầu tư.

Trong khi đó, theo giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng nợ công tại Italy không chỉ là chuyện riêng của châu Âu nữa, mà còn gây quan ngại cho tất cả các nước lớn trên toàn cầu.

Để ngăn chặn "căn bệnh" nợ công lây lan khắp lục địa già, các nhà lãnh đạo châu Âu muốn tăng thêm vốn cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) từ 440 tỷ euro lên 1.000 tỷ euro. Tuy nhiên, hiện EFSF vẫn chưa biết huy động tiền từ những nguồn nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục