Kịch bản nào giúp Cộng hòa Síp thoát nguy cơ vỡ nợ?

Ngày 19/3, với đa số phiếu chống, Quốc hội CH Síp đã phủ quyết đề xuất đánh thuế đối với các khoản tiền gửi ngân hàng - một trong số các điều kiện tiên quyết mà các chủ nợ yêu cầu để đổi lấy việc cấp cho Nicosia gói cứu trợ 10 tỷ euro. Trong số các kịch bản đặt ra để tránh cho quốc đảo Địa Trung Hải này nguy cơ bị vỡ nợ, theo các nhà phân tích, nhiều khả năng Sip vẫn được các chủ nợ cấp gói cứu trợ trên với các điều kiện “dễ thở” hơn. Một phương án khác là tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga, nước đã từng cứu trợ và có sự liên hệ tài chính mật thiết với Síp nhất là ngay sau kết thúc bỏ phiếu Bộ trưởng Tài chính Síp đã sang Mátxcơva.
Ngày 19/3, với đa số phiếu chống, Quốc hội Cộng hòa Síp đã phủ quyết đề xuất đánh thuế đối với các khoản tiền gửi ngân hàng - một trong số các điều kiện tiên quyết mà các chủ nợ đã đưa ra để đổi lấy việc cấp cho Nicosia gói cứu trợ có tổng trị giá 10 tỷ euro. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ của đa số người dân đảo Síp nhưng có thể khiến quốc đảo Địa Trung Hải này có nguy cơ bị vỡ nợ. Điều kiện gây tranh cãi của châu Âu Hôm 16/3, Chính phủ Síp và bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đạt được thỏa thuận về việc các tổ chức này sẽ cấp 10 tỷ euro cho Nicosia để giúp quốc đảo này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Đổi lại, Chính phủ Síp đã nhất trí thực hiện một loạt các điều kiện do các chủ nợ này đưa ra, trong đó đáng chú ý có việc đánh thuế đối với tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng với mục đích huy động thêm khoảng 5,8 tỷ euro tiền thuế để tài trợ cho các nỗ lực cứu trợ các ngân hàng đang gặp khó khăn. Theo thỏa thuận này, kể từ ngày 19/3, thuế suất đối với các khoản tiền gửi có giá trị tới 100.000 euro là 6,75% và đối với các khoản tiền gửi có giá trị lớn hơn 100.000 euro là 9,9%. Bên cạnh đó, Síp cũng đồng ý đánh “thuế thu nhập” bổ sung đối với lợi tức thu được từ các khoản tiền gửi ngân hàng. Giải thích về thỏa thuận trên, Tổng thống Síp Nicos Anastasiades nói rằng việc đánh thuế đối với người gửi tiền "là một lựa chọn ít đau đớn" đối với đảo quốc đang bị suy thoái kinh tế này. Ông cảnh báo hệ quả của việc cự tuyệt yêu cầu của các nhà tài trợ có thể là Síp sẽ phải ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và đối mặt với việc vỡ nợ. Ngay sau khi thỏa thuận trên được công bố, người dân Síp đã đổ xô tới các cây ATM để rút tiền trong nỗ lực nhằm giảm số thuế mà họ phải trả trên số tiền gửi ở ngân hàng. Nhiều người đã bày tỏ bất bình với thỏa thuận này bởi vì, Síp là quốc gia đầu tiên trong số 6 nước đang gặp khó khăn ở Eurozone bị áp đặt điều kiện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để đổi lấy khoản cứu trợ. Trong khi đó, các thị trường toàn cầu cũng phản ứng tiêu cực trước thỏa thuận trên do lo ngại thỏa thuận này có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và làm giảm lòng tin vào các nước đang gặp khó khăn khác ở Eurozone như Tây Ban Nha và Italia, đồng thời khiến dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế yếu kém trong khu vực. Theo các chuyên gia phân tích, việc sử dụng các khoản tiền gửi ngân hàng như một phần của gói cứu trợ - một biện pháp chưa có trong tiền lệ ở châu Âu - đã tạo ra nguy cơ lớn đối với Síp. Ông Marios Skandalis, Phó Chủ tịch Viện Kế toán Công chứng Síp, nói: “Có một nguy cơ rất cao đó là thỏa thuận này có thể khiến Síp mất đi vai trò trung tâm tài chính mạnh và đáng tin cậy... Cả hai biện pháp (những điều kiện để đổi lấy gói cứu trợ) đều nhằm vào một lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Síp và cuối cùng, chúng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên GDP.” “Hệ thống ngân hàng hoạt động trên cơ sở niềm tin. Nếu niềm tin mất đi, toàn bộ hệ thống đó sẽ sụp đổ,” ông Skandalis nhấn mạnh. Trước những phản ứng tiêu cực của các thị trường, một ngày trước cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội Síp về đề xuất đánh thuế tiền gửi ngân hàng do Chính phủ đệ trình, hôm 18/3, các bộ trưởng Eurozone đã nới lỏng hơn điều kiện cứu trợ đối với Síp khi phát đi tín hiệu rằng họ đồng ý không đánh thuế đối với những khoản tiền gửi có giá trị dưới 100.000 euro. Mặc dù vậy, hôm 19/3, Quốc hội Síp vẫn phủ quyết đề xuất trên bất chấp việc quyết định này có thể chọc tức các đối tác châu Âu và làm gia tăng quan ngại về khả năng cuộc khủng hoảng này có thể lan rộng sang các nước khác.

Các nghị sỹ CH Síp bỏ phiếu tại phiên họp Quốc hội ở Nicosia ngày 19/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Kịch bản nào cho Síp? Với dân số hơn 1 triệu người và chỉ chiếm 0,2% trong tổng GDP của 17 nước thành viên Eurozone, Síp là một trong những quốc gia nhỏ nhất ở châu Âu. Tại thời điểm này, Nicosia đang cần từ 17 đến 18 tỷ euro để thoát khỏi nguy cơ bị vỡ nợ, trong đó khoảng 10 tỷ euro dùng để tái cấp vốn cho các ngân hàng trong nước và 7 đến 8 tỷ euro dùng để tài trợ cho các hoạt động của chính phủ. Đây là lý do chính khiến Síp đã phải chấp nhận các điều kiện của bộ ba nhà tài trợ để đổi lại gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro. Tuy nhiên, với việc Quốc hội Síp bác bỏ đề xuất đánh thuế tiền gửi gây tranh cãi do Chính phủ đệ trình, quốc đảo Địa Trung Hải này đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ hoặc bị buộc phải rời Eurozone nếu EU, ECB và IMF từ chối giải ngân gói cứu trợ cho Síp vì Nicosia đã không thực hiện đúng các điều kiện mà ba chủ nợ này đã đưa ra. Phản ứng trước quyết định trên của Quốc hội Síp, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, người đang giữ vai trò chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup), nói đề xuất cứu trợ cho Síp vẫn tồn tại chừng nào quốc đảo này đáp ứng các điều kiện mà các chủ nợ đã đặt ra. ECB cũng ra tuyên bố khẳng định ngân hàng sẽ tiếp tục cấp vốn “theo các quy tắc hiện tại.” Ông Ewald Nowotny, một thành viên Hội đồng Điều hành ECB, kêu gọi Síp hãy chứng tỏ “sự kỷ luật và sự sẵn sàng để hành động một cách đúng đắn.” Trước đó, EU đã cảnh báo họ sẽ không giải ngân gói cứu trợ 10 tỷ euro cho Síp chừng nào những người gửi tiền ở nước này, bao gồm cả những người gửi tiền có giá trị nhỏ, không chia sẻ gánh nặng chi phí cứu trợ. ECB cũng dọa sẽ chấm dứt chương trình hỗ trợ tín dụng khẩn cấp cho các ngân hàng của Síp, vốn đang phải hứng chịu các ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính ở nước láng giềng Hy Lạp. Mặc dù vậy, có khả năng các chủ nợ của Síp sẽ phải xem xét lại quan điểm của họ bởi vì, nếu Nicosia bị vỡ nợ, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn và sự tồn vong của Eurozone có thể sẽ bị đe dọa. Bên cạnh đó, bất chấp việc Brussels đã khẳng định rằng biện pháp đánh thuế tiền gửi chỉ được áp dụng một lần đối với một quốc gia chỉ chiếm khoảng 0,2% GDP của Eurozone nhưng nhiều người lo ngại biện pháp chưa có trong tiền lệ này có thể ảnh hưởng tới các hệ thống ngân hàng khác trong liên minh tiền tệ này, nhất là Italia và Tây Ban Nha - các nền kinh tế lớn thứ 3 và 4 ở Eurozone nhưng cũng đang gặp khó khăn về tài chính. Nhà phân tích chính trị người Đức Hubert Faustmann cảnh báo tác động của thỏa thuận cứu trợ trên là “không thể dự đoán nổi.” Ông đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà đầu tư ở tất cả các nền kinh tế đang phải nhận cứu trợ ở EU quyết định rút tiền ra khỏi ngân hàng?” Theo các chuyên gia phân tích, nhiều khả năng các chủ nợ vẫn sẽ cấp gói cứu trợ trên cho Síp nhưng với các điều kiện “dễ thở” hơn cho quốc đảo này. Một phương án khác cho Síp là quốc đảo này sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Nga, nước đã từng cứu trợ cho Síp và có sự liên hệ tài chính mật thiết với quốc đảo này. Ngay sau khi Quốc hội Síp kết thúc bỏ phiếu, Bộ trưởng Tài chính nước này Michael Sarris đã rời thủ đô Nicosia sang Mátxcơva để tìm kiếm sự trợ giúp từ quốc gia láng giềng này. Tổng thống Anastasiades, người chỉ mới nhậm chức được khoảng một tháng, cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các quan chức EU hy vọng rằng Nga sẽ cho Síp vay 2,5 tỷ euro trong khoảng thời gian 5 năm cho đến năm 2021. Nhưng triển vọng tình hình có vẻ sẽ không thuận như thế, vì phía Nga đã tỏ ra rất bất bình với kế hoạch đánh thuế nói trên của Chính phủ Síp (tuy là đã bị Quốc hội bác bỏ) vì với kế hoạch đó, các thể nhân và pháp nhân Nga có tiền cất trong các ngân hàng Síp có thể bị thiệt hại nhiều tỷ euro. Ngoài ra, Síp có thể sử dụng các biện pháp khác để tránh nguy cơ vỡ nợ như đánh thuế giao dịch tài chính hoặc chuyển các khoản tiền tiết kiệm thành các chứng chỉ tiền gửi với thời gian đáo hạn dài. Tuy nhiên, những biện pháp có thể gây ra hàng loạt vấn đề cho Nicosia./.
Thanh Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục