Hà Nội: Nhiều vướng mắc về sản xuất rau an toàn

Theo Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở Hà Nội, giai đoạn 2009-2015, còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chiều 18/8, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trịnh Duy Hùng cho biết, việc triển khai “Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009-2015” (được gọi là Đề án RAT) còn vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo lý giải của ông Hùng, nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ thực hiện Đề án quá chậm so với yêu cầu là do công tác quy hoạch tiến hành chậm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các huyện còn lúng túng trong triển khai thực hiện dự án do việc phối hợp giữa các huyện với các sở, ngành liên quan để triển khai công tác lập, thẩm định, trình duyệt các dự án và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn thiếu chặt chẽ, cụ thể.

Mặt khác, Ủy ban Nhân dân các huyện chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án RAT trên địa bàn.

Đến nay các địa phương mới chỉ tập trung chỉ đạo các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất RAT, chưa triển khai công tác sản xuất sau đầu tư và chưa quan tâm đúng mức đến các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào lĩnh vực này.

Cũng theo ông Hùng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc triển khai Đề án còn chậm là do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ RAT chậm được ban hành.

Việc huy động các nguồn lực cho sản xuất và tiêu thụ RAT chưa được quan tâm, nhất là công tác tuyên truyền, thông tin đến người sản xuất và người tiêu dùng RAT.

Ông Hùng cũng cho biết trong thời gian tới, các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các huyện tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án RAT theo tiến độ và bảo đảm chất lượng; trong đó, mỗi huyện xác định và thực hiện một mô hình sản xuất RAT cụ thể theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, các sở trên cũng rà soát lại cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai Đề án RAT theo hướng thực hiện có hiệu quả, trong đó tập trung vào công tác tổ chức sản xuất RAT và tiêu thụ sản phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương xây dựng và ban hành tiêu chuẩn sản xuất một số loại cây rau cụ thể; chú trọng công tác tuyên truyền đến toàn xã hội để giúp người dân thay đổi nhận thức và tập quán về sản xuất và tiêu dùng RAT.

Theo mục tiêu tại Đề án RAT đã được Thành phố phê duyệt, đến năm 2010, diện tích RAT trên toàn thành phố sẽ là 2.400-2.500ha và đến năm 2015 đạt 5.000-5.500ha.

Tuy nhiên, tính đến tháng Tám năm nay, toàn thành phố mới xây dựng 16 dự án vùng RAT tập trung với tổng diện tích 1.925ha trình các sở và Ủy ban Nhân dân thành phố, trong đó có ba dự án với gần 190ha đã được thành phố phê duyệt.

Sáu dự án khác tại huyện Đông Anh đã trình các ngành và thành phố, song do vướng mắc về quy hoạch nên phải dừng lại. Đặc biệt, đến thời điểm này, toàn thành phố mới có hơn 300ha được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT./.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục