Cho trẻ làm con nuôi nước ngoài chỉ là giải pháp cuối

Theo Dự thảo Luật nuôi con nuôi, việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài chỉ là giải pháp cuối cùng sau khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.
Việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài chỉ là giải pháp cuối cùng sau khi đã tiến hành các biện pháp cần thiết mà không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước là một trong những điểm mới của Dự thảo Luật nuôi con nuôi do Bộ Tư pháp xây dựng.

Tại hội thảo tham vấn về Dự thảo Luật nuôi con nuôi diễn ra sáng 21/8 ở Hà Nội, ông Nguyễn Công Khanh, Cục phó Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp cho rằng quy định này “hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước đã được thừa nhận trong các Công ước liên quan đến trẻ em, đặc biệt là Công ước Lahay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế”.

Bên cạnh đó, quy định này nhằm đảm bảo trẻ em có cơ hội được sống trong môi trường gốc, gần gũi với đặc điểm và nhu cầu của trẻ.

Nhằm tăng cường, ưu tiên việc nuôi con nuôi trong nước, dự thảo Luật quy định rõ việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em là biện pháp bắt buộc trước khi giải quyết cho làm con nuôi người nước ngoài.

Theo đó, việc tìm gia đình thay thế trong nước sẽ được thực hiện liên thông ở 3 cấp xã, tỉnh, trung ương với tổng thời gian là 90 ngày, thay vì chỉ thực hiện trong phạm vi một tỉnh, với 30 ngày như quy định hiện hành.

Một điểm mới nữa của Dự thảo Luật này là thẩm quyền giới thiệu trẻ em làm con nuôi của người nước ngoài phải là Bộ Tư pháp, thay vì giao cho các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em như hiện nay.

Quy định này nhằm khắc phục tình trạng tiêu cực trong việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài đã xảy ra thời gian qua tại một số địa phương do các cơ sở nuôi dưỡng vừa là nơi tiếp nhận trẻ em nuôi dưỡng, vừa tiếp nhận các khoản hỗ trợ nhân đạo của các tổ chức, cá nhân nước ngoài và trực tiếp giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài.

Theo báo cáo từ 49 Sở Tư pháp trong cả nước, trong 5 năm (2004-2009), đã có 100 trường hợp vi phạm pháp luật về nuôi con nuôi.

Tại hội thảo, các đại biểu đại diện các Sở tư pháp, Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội của 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật nuôi con nuôi, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 tới.

Theo Bộ Tư pháp, từ năm 2003 đến hết tháng 6/2009,  khoảng 20.000 trẻ em đã được nhận làm con nuôi, trong đó trên 6.000 trẻ do người nước ngoài nhận nuôi.

Việt Nam đã ký các hiệp định về nuôi con nuôi với Italia, Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Canada, Ireland, Thụy Điển và Hoa Kỳ và đang chuẩn bị tham gia Công ước Lahay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế./.
Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục