Chứng khoán châu Á vẫn chưa bứt vì Mỹ và Hy Lạp

Chứng khoán châu Á bị đẩy xuống trong phiên mở cửa 12/11, khi các nhà đầu tư lo ngại về Mỹ cũng như triển vọng gói cứu trợ Hy Lạp.
Chứng khoán châu Á bị đẩy xuống trong phiên mở cửa ngày 12/11, khi các nhà đầu tư lo ngại về "vách đá tài chính" của Mỹ cũng như triển vọng gói cứu trợ Hy Lạp, mặc dù tình hình hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng tích cực.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,1%, sau khi khép lại tuần trước với mức giảm 0,7%, xuống mức nhất trong một tuần. Chỉ số Hang Seng của Hồng Công giảm 16,81 điểm, hay 0,08%, xuống 21.367,57 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 5,27 điểm, hay 0,28%, xuống 1.899,14 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 56,32 điểm, hay 0,64%, xuống 8.701,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 6,71 điểm, hay 0,32%, lên 2.075,77 điểm.

Các cuộc thương lượng ở Mỹ đã được bắt đầu nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp trong vấn đề cắt giảm thâm hụt ngân sách trước khi các biện pháp tiết kiệm chi tiêu và tăng thuế trị giá gần 600 tỷ USD, tức "vách đá tài chính," có thể được tiến hành vào đầu năm tới.

Việc va phải vách đá "tài chính" có thể làm trật bánh con tàu kinh tế Mỹ vốn đã có những dấu hiệu phục hồi gần đây. Các thị trường cũng đang để mắt tới vấn đề trần nợ của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đến lúc cần được nâng lên để tránh phải dừng hoạt động của chính phủ.

Với Hy Lạp, triển vọng về gói cứu trợ cho nước này vẫn chưa rõ ràng dù Quốc hội đã thông qua luật về ngân sách năm 2013, một yêu cầu căn bản đối với Hy Lạp để khơi dòng viện trợ quốc tế trở lại và tránh vỡ nợ.

Các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng euro sẽ không thể quyết định giải ngân khoản cho vay mới cho Hy Lạp tại cuộc họp vào ngày 12/11 khi vẫn chưa có sự nhất trí về cách thức ổn định nợ cho nước này.

Trong khi đó, cuối tuần trước, các số liệu của Trung Quốc cho thấy thặng dư thương mại của nước này đạt kỷ lục trong 45 tháng vào tháng 10, khi tăng trưởng xuất khẩu đạt mức cao nhất trong 5 tháng là 11%, có nghĩa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chưa cần ngay các biện pháp kích thích mới./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục