Thúc đẩy năng lượng sạch thay nhiên liệu hóa thạch

IEA thúc đẩy nguồn năng lượng sạch thay nhiên liệu hóa thạch nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng đang cạn kiệt nhanh.
Ngày 7/4, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã kêu gọi các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi tăng đầu tư phát triển các nguồn năng lượng sạch để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, nhằm giảm dần sự phụ thuộc của thế giới vào nguồn năng lượng đang cạn kiệt nhanh chóng này.

Báo cáo tiến độ phát triển năng lượng sạch, được IEA công bố ngày 7/4 tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), nhấn mạnh cộng đồng thế giới cần theo đuổi chính sách năng lượng sạch năng động hơn, thực hiện các sáng kiến minh bạch, dễ thích nghi và có thể dự báo trước để thúc đẩy các lựa chọn hiệu quả hơn các nguồn năng lượng sạch.

Các nước phát triển cần loại bỏ trợ cấp sử dụng nhiên liệu hóa thạch lên tới 312 tỷ USD hàng năm và dành nguồn tài chính này thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái sinh.

IEA lưu ý rằng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu hiện nay vẫn vượt quá xa nhịp độ tăng trưởng các các nguồn năng lượng sạch.

Năng lượng tái sinh tăng trưởng 30-40% trong những năm gần đây, song không thể theo kịp nhu cầu tăng tới 47% nguồn năng lượng điện toàn cầu từ nguồn than trong suốt thập kỷ qua. Các công nghệ và các thiết bị điện chiếu sáng mới cần tới 1 năm để thu hồi vốn phát triển.

Để thay đổi thực tế này, IEA kêu gọi các nước chuyển các nguồn tài chính trợ cấp sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng sạch, tạo các điều kiện thuận lợi về cơ chế thị trường và các sáng kiến mới khuyến khích khu vực tư nhân tăng đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới và sạch hơn.

Phó Giám đốc chấp hành IEA, ông Richard Jones, nhấn mạnh phát triển các nguồn năng lượng sạch và hiệu quả hơn là phương thức tốt nhất để giảm sự phụ thuộc của thế giới đương đại vào nguồn nhiên liệu hóa thạch đang cạn kiệt.

Hơn 50% tiết kiệm trong sử dụng năng lượng trong tương lai phải bắt đầu từ các nguồn năng lượng sạch và hiệu quả, nếu cộng đồng quốc tế muốn giải pháp năng lượng chi phí thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục