Khai mạc hội nghị nữ giới Phật giáo Sakyadhita 11

Hơn 2000 đại biểu nữ giới Phật giáo từ 47 quốc gia, vùng lãnh thổ đã dự hội nghị nữ giới Phật giáo Sakyadhita thứ 11 tại TP HCM.
Hội nghị Nữ giới Phật giáo quốc tế Sakyadhita lần thứ 11 đã khai mạc sáng 28/12 tại Nhà truyền thống Văn hóa Phật giáo (chùa Phổ Quang, Thành phố Hồ Chí Minh).

Hội nghị thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về vai trò của nữ giới Phật giáo trên toàn cầu và tìm một phương thức chung để nữ giới Phật giáo thể hiện tốt vai trò, khả năng trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự hội nghị cùng hơn 2000 đại biểu nữ giới Phật giáo, trong đó gần 400 đại biểu là tăng ni, Phật tử, các học giả và nhà nghiên cứu Phật giáo đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong bức thư gửi tới Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề cao truyền thống 2000 năm lịch sử đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam: “Thời nào cũng có những nhà sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời, giúp nước; trong đó có nhiều vị sư nữ được nhân dân ngưỡng mộ về đức độ, vị tha, tính hướng thiện, luôn gắn bó giữa đạo với đời”.

Chủ tịch nước nhấn mạnh sự tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, mong muốn nữ giới Phật giáo Việt Nam cùng Phật giáo thế giới và nhân loại tiến bộ góp phần tích cực ngăn chặn những xung đột, mâu thuẫn, đẩy lùi đói nghèo và khổ đau, nêu cao chính pháp Đức Phật trong đời sống xã hội.

Sakyadhita lần thứ 11 tiếp tục truyền thống thân hữu sâu sắc của nữ giới Phật giáo các quốc gia trong việc chia sẻ những kinh nghiệm khác biệt về quá trình dấn thân phục vụ xã hội, những kiến thức về tu học và hành trì giáo lý Đức Phật.

“Những chia sẻ tin cậy này sẽ giúp đẩy mạnh mối quan hệ dựa trên sự hòa hợp, trao đổi truyền thống Phật giáo giữa các nước, đồng tâm hiệp lực để phát triển Phật giáo và cổ súy cho hòa bình nhân loại”, Chủ tịch Hội Nữ giới Phật giáo thế giới, Ni sư trưởng Karma Lekshe Tsomo phát biểu trong lễ khai mạc.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa mong muốn nữ giới Phật giáo tiếp tục sự chia sẻ và gắn bó mật thiết với các hội đoàn phụ nữ, hướng dẫn Phật tử trau dồi và thực hành truyền thống đạo đức tốt đẹp, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng xã hội.

Những vị sư nữ xuất chúng trong lịch sử phát triển của đạo Phật được toàn thể hội nghị vinh danh trong tinh thần biết ơn và học hỏi; trong đó, đóng góp to lớn của nữ giới Phật giáo Việt Nam được các Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Thường, Thích Nữ Như Minh, Thích Nữ Huệ Từ và tiến sĩ Trần Hồng Liên đề cập trong nhiều tham luận dưới góc độ giáo dục, từ thiện, văn hóa và thực hành Phật pháp.

Trong một tuần lễ diễn ra hội nghị (28/12-3/1), các đại biểu nữ giới Phật giáo và học giả, nhà nghiên cứu sẽ nói đến những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, từ sự tàn phá môi trường, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, nạn bạo hành trong gia đình đến các vấn đề đạo đức xã hội, nạn nhân chất độc da cam/dioxin…

Những giải pháp hữu hiệu nhất “nhưng không vượt qua lời dạy và giáo luật của Đức Phật” được đưa ra trên tinh thần tôn trọng phong tục, truyền thống và luật pháp mỗi nước để phát triển một xã hội hài hòa, lành mạnh và thịnh vượng./.

Thi Cầm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục