KonTum cần khoảng 105.000 tỷ đồng vào 10 năm tới

Quy hoạch đưa ra mục tiêu phát triển cho tỉnh Kon Tum là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm thời kỳ 2011-2020 đạt 14,7%.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 581/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020.

Theo quy hoạch này, nhu cầu vốn đầu tư phát triển Kon Tum thời kỳ 2011-2020 khoảng 103.000-105.000 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2011-2015 khoảng 32.000-33.000 tỷ đồng và 70.000-71.000 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020.

Quy hoạch đưa ra mục tiêu phát triển cho tỉnh Kon Tum là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm thời kỳ 2011-2020 đạt 14,7%; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 27,9 triệu đồng/người (gấp 2 lần so với năm 2010) và đạt 53,2 triệu đồng/người vào năm 2020 (gấp 1,9 lần so với năm 2015).

Để đạt được các mục tiêu trên, Kon Tum sẽ phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến. Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu diện tích một số cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, mía và cây ăn quả; đồng thời phát huy lợi thế về rừng để phát triển mạnh kinh tế rừng.

Về công nghiệp, tỉnh sẽ từng bước hình thành và phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, khoáng sản, thủy điện. Bên cạnh đó, liên doanh, liên kết trồng, khai thác, bào chế, nhất là dược liệu quý hiếm; phát triển mạnh thương hiệu một số sản phẩm như sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm, cà phê Đăk Hà, rau, hoa Măng Đen.

Hoạt động thương mại cũng sẽ được đẩy mạnh, củng cố hệ thống chợ, siêu thị và các trung tâm thương mại tại thành phố Kon Tum, các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi; phát triển các chợ biên giới, chợ cửa khẩu; tổ chức tốt mạng lưới thương nghiệp vùng nông thôn, miền núi.

Một trong những phương hướng phát triển Kon Tum là phát triển giáo dục toàn diện từ mầm non đến trung học phổ thông. Mở rộng hình thức đào tạo nghề, tạo thêm việc làm mới cho người lao động. Phấn đấu mỗi năm đào tạo khoảng 3.500-4.000 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 45% và nâng lên 55-60% vào năm 2020.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo; cải thiện đời sống của hộ nghèo nhằm thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bào các dân tộc. Sắp xếp ổn định dân cư, tái định cư cho nhân dân ở vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất do lũ quét, ngập úng; các điểm dân di cư tự do gắn với Quy hoạch nông thôn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục