Sạt lở bờ sông Gianh đe dọa đời sống 1.000 hộ dân

Nạn sạt lở đất hai bờ sông Gianh đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp cuộc sống và tính mạng của gần 1.000 hộ dân.
Nạn sạt lở đất hai bờ sông Gianh đã diễn ra nhiều năm nay. Kể từ sau cơn lũ lịch sử xảy ra ở hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa hồi tháng 8/2007, tình hình sạt lở đất ở đây càng trở nên nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều và phòng chống bão lụt của tỉnh Quảng Bình cho biết, toàn tuyến sông Gianh hiện nay phạm vi sạt lở diễn ra trên diện rộng với tổng chiều dài hơn 40.300m, trong đó vùng trọng điểm bị sạt lở nghiêm trọng dài hơn 13.000m.

Tình trạng này đang đe dọa trực tiếp đến cuộc sống và tính mạng của gần 1.000 hộ dân nơi đây, trong đó, 120 hộ dân nằm vào vùng xung yếu cần phải được di dời trước mùa mưa lũ năm nay.

Tính ra, mỗi năm các xã nằm dọc ven sông Gianh của hai huyện nói trên bị nước “nuốt trôi” mất gần 45ha diện tích đất vườn, đất ở của dân.

Tại huyện Quảng Trạch đã có 15 điểm sạt lở nghiêm trọng, có điểm, sông Gianh đã “ăn” sâu vào đất liền tới 20m với chiều dài từ 1.000-3.000m. 750 hộ dân sinh sống dọc hai bờ sông Gianh ở các xã Cảnh Hóa, Phù Hóa, Quảng Trường, Quảng Lộc, Quảng Trung, Quảng Tiên, Quảng Hải... đang nằm vào diện phải di dời, trong đó có 68 hộ buộc phải di dời trong năm nay.

Quảng Hải vốn là một xã cồn bãi được bao bọc hai nhánh của con sông Gianh, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, nơi đây sông Gianh xâm thực vào đất liền từ 5-7m với chiều dài hơn 3km. Toàn xã hiện có gần 100 hộ dân trong vùng bị sạt lở đang sống trong tình trạng thấp thỏm, lo âu, nhất là mỗi khi mùa mưa lũ tới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuyên Hóa Hồ Thanh Ngọc cho biết đến nay, hầu hết các xã ven sông Gianh đều bị nạn sạt lở đất đe dọa, trong đó, nặng nhất là các xã Châu Hóa, Văn Hóa, Mai Hóa, Đức Hóa, Thạch Hóa... Riêng ở xã Thạch Hóa, bờ sông Gianh chỉ còn cách trụ sở Ủy ban Nhân dân xã và trường tiểu học của xã chưa đầy 40m.

Huyện đang có kế hoạch di dời ngay 78 hộ dân trước mùa mưa lũ năm nay. Nhưng việc di dời dân ra khỏi vùng sạt lở và làm kè chống sạt lở, giữ đất ở hai huyện đang gặp nhiều khó khăn. Công tác khắc phục nạn sạt lở đất hai bờ sông Gianh của chính quyền địa phương còn chậm chạp và bị động.

Muốn hoàn thành thi công hệ thống kè hai bờ sông Gianh nhằm ngăn chặn nạn sạt lở đất ở hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa phải tốn hàng trăm tỷ đồng. Hiện tỉnh chưa biết lấy từ nguồn kinh phí nào khi nguồn thu ngân sách một năm của địa phương chỉ đủ chi 60% tổng mức nhu cầu.

Tiến độ di dời dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm đang rất chậm. Theo kế hoạch trong năm nay, hai huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch di dời 120 hộ dân. Nhưng đến nay, hai huyện này mới di dời được chưa đầy 20 hộ dân.

Nguyên nhân việc chậm trễ này theo ông Nguyễn Ngọc Phụng, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão của tỉnh là do số hộ dân trong diện di dời ở hai huyện này quá lớn, các xã rất khó bố trí quỹ đất ở mới cho người dân, kinh phí cho việc di dời dân cũng hạn hẹp, xã không lo nổi.

Vì thế, nguồn kinh phí cho các giải pháp chống sạt lở hai bờ sông Gianh và tổ chức di dời dân ra khỏi vùng sạt lở nơi đây vẫn là xã trồng chờ vào huyện; huyện trông chờ vào tỉnh và tỉnh chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương.

Trong lúc đó, mùa mưa lũ năm nay đã cận kề, nạn sạt lở đất ở hai bờ sông Gianh vẫn diễn ra với mức độ ngày một nghiêm trọng, tính mạng và tài sản của hàng ngàn người dân đang bị đe dọa hàng ngày, hàng giờ./.

Ngọc Châu (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục