Động cơ siêu nhẹ giúp giảm chi phí khám phá vũ trụ

Một nhóm các nhà nghiên cứu châu Âu đã phát triển một loại động cơ mới siêu gọn nhẹ sẽ cho phép các vệ tinh nhỏ di chuyển ra ngoài Trái Đất.
Một nhóm các nhà nghiên cứu châu Âu do viện công nghệ liên bang Thụy Sĩ, EPFL đứng đầu đã phát triển nguyên mẫu một loại động cơ mới siêu gọn nhẹ sẽ cho phép các vệ tinh nhỏ di chuyển ra ngoài quỹ đạo Trái Đất.

Mục tiêu của việc phát triển loại động cơ này là nhằm giảm bớt chi phí đắt đỏ của hoạt động khám phá vũ trụ. Đây là kết quả của dự án Microthrust trị giá 1,9 triệu euro.

Chiếc động cơ nhỏ gọn này chỉ nặng có 200g, kể cả nhiên liệu và thiết bị điện tử kiểm soát, và được thiết kế chuyên để đẩy các vệ tinh nhỏ có trọng lượng từ 1-100kg. Nó cho phép các vệ tinh thay đổi quỹ đạo xung quanh Trái Đất và thậm chí khám phá những nơi xa xôi mà trước đó chỉ những tàu vũ trụ lớn và đắt tiền mới có thể làm được.

Trong khi đó, động cơ này còn được thiết kế để có thể lắp vào những vệ tinh nhỏ với các kích cỡ chỉ 10x10x10 cm3. Các nhà nghiên cứu cho biết nguyên mẫu này sẽ có thể được sử dụng trong CleanSpace One, một vệ tinh hiện đang được EPFL phát triển để dọn rác vũ trụ, cũng như OLFAR, chùm vệ tinh nano của Hà Lan có khả năng thu các tín hiệu tần số radio cực thấp ở phía xa của Mặt Trăng.

Ông Herbert Shea, trưởng Phòng nghiên cứu công nghệ vũ trụ Microsystems thuộc EPFL và điều phối viên của dự án Microthrust nêu rõ: “Hiện tại các vệ tinh nano bị kẹt trong quỹ đạo của chúng và mục tiêu của chúng tôi là cho chúng tự do.”

Động cơ mini mới này không chạy bằng nhiên liệu đốt cháy mà rằng chất lỏng ion, và trong dự án này, đó là một hợp chất hóa học lỏng có tên EMI-BF4 được sử dụng cả như dung môi lẫn chất điện phân./.

Huy Lê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục