Thận trọng về việc nối lại sứ mệnh giám sát của AL

Ngày 9/2, các cường quốc phản ứng thận trọng với kế hoạch thành lập sứ mệnh giám sát phối hợp giữa Liên hợp quốc và AL tại Syria.
Ngày 9/2, các cường quốc đã phản ứng thận trọng đối với kế hoạch thành lập một sứ mệnh giám sát phối hợp giữa Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) tại Syria.

Pháp đề nghị cần có "những đảm bảo" cho sứ mệnh này, trong khi Mỹ và Đức cho biết đang nghiên cứu về đề xuất trên.

Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết Tổng thư ký AL Nabil Al Arabi đã thông báo sẽ đưa các quan sát viên AL trở lại Syria, đồng thời đề nghị Liên hợp quốc xem xét phối hợp với AL thành lập một phái bộ quan sát viên chung tại Syria, trong đó có một đặc phái viên chung.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Susan Rice nói rằng Liên hợp quốc đang nghiên cứu về đề xuất trên, trong khi Đại sứ Đức tại Liên hợp quốc Peter Wittig cho biết Chính phủ Đức đánh giá đây là một "ý tưởng rất nghiêm túc," song cần hội tụ một số điều kiện trước khi một phái bộ chung như vậy có thể được thành lập.

Theo ông Wittig, Đức đang thảo luận với Tổng thư ký Arabi của AL. Trong khi đó, Đại sứ Morocco tại Liên hợp quốc Môhamét Lulíchki (Mohamed Loulichki), đại diện cho các nước Arập tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng ngầm ủng hộ kế hoạch này. Ông nói: "Morocco luôn quan tâm tới mọi đề xuất có thể giúp thực thi sáng kiến của AL."

[AL dự định nối lại sứ mệnh giám sát tại Syria]

Tại Paris, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero cho biết Pháp đánh giá việc AL đưa các quan sát viên trở lại Syria là "một bước đi đúng hướng nếu phái bộ này có thể thực hiện sứ mệnh của mình một cách tự do và đầy đủ." Theo ông Valero, sự hợp tác giữa Liên hợp quốc và AL về việc này sẽ cho phép phái bộ trên làm việc hiệu quả và đáng tin cậy.

Dự kiến các Ngoại trưởng AL sẽ họp tại Cairo (Ai Cập) vào ngày 12/2 tới để thảo luận thêm về đề xuất trên.

Trước đó ngày 4/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không thông qua dự thảo nghị quyết về Syria do Nga và Trung Quốc - hai nước ủy viên thường trực - bỏ phiếu phủ quyết.

Văn kiện này không công khai kêu gọi Tổng thống Átxát từ chức hoặc đề cập đến một lệnh cấm vận vũ khí hay các biện pháp trừng phạt, nhưng lại "hoàn toàn ủng hộ" kế hoạch của AL nhằm tạo thuận lợi cho “quá trình chuyển tiếp dân chủ” tại quốc gia Trung Đông đang chìm trong bạo loạn này.

Trong một diễn biến mới nhất, Trung Quốc ngày 9/2 cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Mỹ và các nước khác về vấn đề Syria, dù có những quan điểm khác nhau về dự thảo nghị quyết trên.

Phát biểu trong một cuộc họp báo trước thềm chuyến thăm Mỹ của Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải cho biết việc 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an có quan điểm khác nhau là điều "hết sức bình thường," song tất cả các bên liên quan đều muốn thấy khu vực này được hòa bình và ổn định, cũng như tìm ra một giải pháp thông qua đối thoại nhằm đưa Syria thoát khỏi cuộc xung đột hiện nay. Ông nhấn mạnh rằng trong các quan hệ quốc tế, không nên vội vã sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, và cũng không nên sử dụng sự can thiệp từ bên ngoài để thay đổi một chế độ.

Cùng ngày, Nga cho biết đang theo dõi sát các diễn biến tại Syria. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonvov phát biểu trên truyền hình nhận định tình hình ở Syria đang xấu đi và Nga "không thể khoanh tay đứng nhìn." Ông nhấn mạnh Nga sẽ làm hết sức để tránh mọi sự can thiệp quân sự vào Syria.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherin Aston kêu gọi Nga ủng hộ nghị quyết của Liên hợp quốc đề nghị Tổng thống Syria Bashar al-Assad chấm dứt bạo lực, và cho biết EU đã thúc đẩy các nỗ lực nhằm siết chặt trừng phạt chống lại Damascus.

Dự kiến, bà Aston sẽ gặp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu và Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trong ngày 10/2.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết chưa có kế hoạch cung cấp vũ khí cho phe đối lập tại Syria. Ông Hague khẳng định rằng Anh không tham gia vào cuộc xung đột nội bộ Syria, đồng thời cho biết hiện London đang tăng cường các nỗ lực hỗ trợ thuốc men và nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng ở quốc gia Arập này.

Ngày 9/2, Libya đã trở thành quốc gia Arập tiếp theo trục xuất các nhà ngoại giao Syria tại nước mình. Từ tháng 10/2011, Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) cầm quyền tại Libya đã tuyên bố chính thức công nhân Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) thuộc phe đối lập tại Syria là chính quyền hợp pháp.

Trước đó ngày 7/2, sáu nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã quyết định trục xuất phái viên Syria và rút đại sứ khỏi Damascus, đồng thời thối thúc các nước Arập khác thông qua "mọi biện pháp cương quyết để đáp trả hành động leo thang bạo lực nguy hiểm nhằm vào dân thường Syria.

Tại Syria, tình hình bạo lực trong ngày 9/2 chưa có dấu hiệu giảm bớt. Ủy ban Phối hợp Địa phương (LCC) của phe đối lập cho biết khoảng 127 người đã thiệt mạng trên cả nước, trong đó 108 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ tại điểm nóng Homs, miền Trung. Tuy nhiên, con số này chưa được chính thức xác nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục