Các nhà máy đường ở ĐBSCL vào vụ ép mới từ 20/8

Thời gian vào vụ ép 2012-2013 của các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là ngày 20/8, sớm hơn 1 tháng so với cùng kỳ.
Ngày 26/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang phối hợp với Hiệp hội mía đường Việt Nam và các nhà máy đường trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức cuộc họp nhằm thống nhất giá thu mua mía trong thời gian vào vụ.

Cuộc họp đã thống nhất thời gian vào vụ ép 2012-2013 của các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là ngày 20/8, sớm hơn 1 tháng so với cùng kỳ. Đây cũng là tin vui cho nông dân trồng mía trong vùng thường xuyên ngập lũ ở Hậu Giang.

Theo ông Lê Văn Đời, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang, năm nay tổng diện tích mía của tỉnh Hậu Giang là 14.282ha, vượt trên 2% so với kế hoạch, tương đương với trên 500ha, ước năng suất đạt 90 tấn/ha và sản lượng khoảng 1.280.000 tấn.

Hiện các trà mía đang trong giai đọan trung bình khoảng 8 tháng tuổi với chữ đường trên dưới 8 CCS và các nhà máy đường trong khu vực đã ký hợp đồng được 77% diện tích với giá bao tiêu tối thiểu là 900 đồng/1kg đối với mía 10 CCS.

Hiện nay, mực nước trên thượng nguồn sông Mekong đang lên nhanh từng ngày nên ngành nông nghiệp tỉnh cũng như đông đảo nông dân trồng mía trong tỉnh kiến nghị Hiệp hội mía đường Việt Nam chỉ đạo cho các nhà máy đường trong khu vực vào vụ sớm hơn hàng năm, nên bắt đầu từ ngày 10/8 để giúp nông dân vùng trũng của huyện Phụng Hiệp thu hoạch an toàn trước khi lũ về. Việc này còn giúp nông dân có thời gian để xuống giống lại khoảng 5.000ha lúa trên nền đất mía, đồng thời tạo mặt bằng cho các đơn vị thi công các công trình đê bao ngăn lũ bảo vệ lúa, mía tại địa phương...

Về giá mía, để đảm bảo cho nông dân có lãi khoảng 30%, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị các nhà máy đường trong khu vực thu mua mía nguyên liệu với giá khoảng 1.100 đ/kg đối với mía có chữ đường 10 CCS.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam và đại diện các nhà nhà máy đường trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc xác định thời gian vào vụ cần phải cân nhắc kỹ đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nông dân và các doanh nghiệp vì nếu các nhà máy đường vào vụ ép sớm, nông dân thu hoạch mía non thì cả nông dân và các nhà máy đường đều hoạt động không có hiệu quả.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các ngành, đại diện của các nhà máy đường trong khu vực, ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang chỉ đạo rút kinh nghiệm từ vụ mía năm trước, năm nay ngay từ đầu vụ, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cho các địa phương và các nhà máy đường phải có kế họach sản xuất thật chặt chẽ, không để nông dân trồng mía bị thiệt hại do lũ như năm 2011. Các nhà máy đường cần hoàn chỉnh việc tu bổ, xây dựng kế họach sản xuất, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện như phương tiện vận chuyển, nhân công để bước vào vụ ép mới.

Về giá mía, ông Nhơn yêu cầu Hiệp hội mía đường cần tính toán lại thật kỹ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp vì hiện nay giá thành sản xuất mía tại Hậu Giang cao nhất cả nước, gần 900 đồng/kg. Nếu các nhà máy đường thu mua với giá 900 đồng/kg thì nông dân sẽ không có lãi.

Đối với thời gian vào vụ, sau khi cân nhắc chu đáo giữa địa phương với các nhà máy đường, ông Nhơn yêu cầu các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang bắt đầu vào vụ ép mới từ ngày 20/8, tức sớm hơn 1 tháng so với cùng kỳ. Các nhà máy đường còn lại trong khu vực sẽ vào vụ bắt đầu từ đầu tháng Chín trở đi, chú ý ưu tiên thu họach mía ở các vùng ngoài đê bao, có nguy cơ ngập lũ cao./.

Ngọc Thiện (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục