Nhà báo thiệt mạng

Số nhà báo thiệt mạng khi tác nghiệp đang gia tăng

Theo Viện Báo chí quốc tế, tính đến thời điểm này, trong năm nay đã có 119 nhà báo trên toàn thế giới thiệt mạng khi đang tác nghiệp.
Theo Viện Báo chí quốc tế (IPI), tính đến thời điểm này, trong năm nay đã có 119 nhà báo trên toàn thế giới thiệt mạng khi đang tác nghiệp.

Đây cũng là con số cao nhất kể từ khi IPI bắt đầu theo dõi vào năm 1997, gióng lên hồi chuông báo động về xu hướng đáng lo ngại này.

Số liệu trên do IPI có trụ sở tại Vienna, Áo, công bố ngày 22/11. Cuộc điều tra của tổ chức này cho thấy đ ối với giới báo chí, Syria là quốc gia nguy hiểm nhất khi có tới 36 nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp tại đây. Trong số các nước mà IPI cảnh báo giới phóng viên khi tác nghiệp có Somalia, Pakistan...

Số nhà báo thiệt mạng cao nhất trước đây là 110 người trong năm 2009. Năm ngoái, con số này là 102 người. IPI nhấn mạnh những số liệu cho thấy một xu hướng đáng báo động tại các điểm nóng xung đột khi các nhà báo trở thành những mục tiêu tấn công để cản trở hoạt động đưa tin.

Trước thực trạng đáng lo ngại này, Liên hợp quốc đã phê chuẩn Kế hoạch hành động về đảm bảo an toàn của các nhà báo và vấn đề tội phạm chống nhà báo mà không bị trừng phạt. Kế hoạch này do Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đệ trình, được coi là chiến lược chung của toàn hệ thống Liên hợp quốc vì an toàn của các nhà báo trên toàn cầu, nhằm tạo ra môi trường an toàn và tự do cho hoạt động của các nhà báo và những người làm công tác thông tin đại chúng cả trong tình huống xung đột và không xung đột vì mục tiêu tăng cường hoà bình, dân chủ và phát triển trên toàn cầu.

Các biện pháp trong Kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về an toàn của các nhà báo bao gồm thiết lập cơ chế phối hợp liên cơ quan để xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn của nhà báo; tham gia cùng các tổ chức liên chính phủ cấp khu vực và quốc tế khác khuyến khích hoà nhập các chương trình phát triển thông tin đại chúng tập trung vào an toàn của nhà báo với các chiến lược tương ứng của các tổ chức này.

Kế hoạch hành động của Liên hợp quốc cũng nhằm tăng cường hợp tác giữa UNESCO với các chính phủ, các hội chuyên ngành và các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các cuộc vận động nâng cao nhận thức về các công ước và công cụ pháp lý quốc tế hiện hành, các nguy cơ đang tăng lên từ các mối đe doạ mới xuất hiện đối với những người hoạt động trong lĩnh vực thông tin báo chí, cũng như các định hướng thực tế về an toàn của các nhà báo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục