Suy giảm tăng trưởng?

Kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng

Giá cổ phiếu giảm và dữ liêu báo động về thương mại là những dấu hiệu cảnh báo tốc độ tăng trưởng sau suy thoái của kinh tế Mỹ.
Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York ngày 11/8 giảm mạnh cùng những dữ liệu đáng báo động về thương mại của Mỹ là những dấu hiệu cảnh báo tốc độ tăng trưởng sau suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chậm lại.

Giá chứng khoán trên thị trường chứng khoán New York đã giảm 2% trong phiên giao dịch ngày 11/8 ngay sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) thông báo sẽ dành ít nhất 10 tỷ USD/tháng để mua lại các trái phiếu kho bạc. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt như Dow Jones, Standard & Poor’s 500 và Nasdaq giảm lần lượt 2,1%, 2,4% và 2,8%.

Các nhà kinh tế Mỹ dự báo do thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng Sáu tăng vọt gần 20% cùng với các dữ liệu kinh tế yếu kém khác, tăng trưởng kinh tế trong quý hai sẽ chỉ đạt 1,2%, giảm một nửa so với mức dự báo 2,4% của chính phủ. Thực trạng này đặt nền kinh tế Mỹ vào trạng thái mong manh hơn bao giờ hết và buộc FED phải tính đến các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế.

Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng mạnh trong tháng sáu vừa qua là hậu quả của việc xuất khẩu bất ngờ giảm ngoài mức dự kiến. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 11/8, thâm hụt thương mại của nước này trong tháng Sáu là gần 50 tỷ USD, tăng gần 19 % so với tháng trước đó và đây là mức thâm hụt hàng tháng cao nhất kể từ tháng 10/2008, khi đó thâm hụt thương mại đứng ở mức hơn 59 tỷ USD.

Thông báo cho biết thâm hụt thương mại của Mỹ tăng đối với hầu hết các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Canada và Liên minh châu Âu. Tổng thâm hụt thương mại của Mỹ trong sáu tháng đầu năm xấp xỉ 495 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trong năm 2010, thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ lớn hơn do nền kinh tế đang dần được cải thiện khiến nhu cầu của người dân đối với hàng tiêu dùng và sản phẩm công nghiệp của nước ngoài tăng. Các nhà kinh tế cũng cho rằng xuất khẩu của Mỹ trong những tháng tới sẽ bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá của đồng USD so với một số ngoại tệ, trong đó có đồng euro, và việc Trung Quốc từ chối yêu cầu của Washington nâng giá đồng NDT so với đồng USD.

Cũng trong ngày 11/8, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong tháng Bảy vừa qua, thâm hụt ngân sách của nước này đã giảm xuống còn 165 tỷ USD so với mức cao kỷ lục 180,7 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Tính 10 tháng đầu năm của tài khóa 2010, ngân sách liên bang thâm hụt 1.170 tỷ USD, giảm 100 tỷ USD so với cùng kỳ của tài khóa 2009.

Stuart A. Schweitzer, nhà chiến lược thị trường của ngân hàng J.P. Morgan, nhấn mạnh những dữ liệu thương mại và tăng trưởng suy giảm cho thấy sự bất ổn định của nền kinh tế Mỹ vẫn cao, không hấp dẫn các nhà đầu tư. Nguy cơ đối với tăng trưởng đang tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh những tin tức xấu về kinh tế ở châu Âu và châu Á. Nền kinh tế Anh vẫn tăng trưởng chậm và bất ổn định trong khi tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc bắt đầu nguội đi.

Trong thông cáo ngày 10/8, FED tuyên bố tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ đã "chậm lại trong những tháng gần đây" và cam kết tiếp tục giải ngân các khoản kích khích nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục