Quyết định đầy khó khăn

Ngừng hoạt động Hamaoka - quyết định khó khăn

Ngày 9/5, Công ty Điện lực Chubu quyết định tạm ngừng Nhà máy Điện hạt nhân Hamaoka ở tỉnh Shizuoka, một quyết định đầy khó khăn.
Ngày 9/5, ban lãnh đạo Công ty Điện lực Chubu đã quyết định tạm ngừng hoạt động Nhà máy Điện hạt nhân Hamaoka ở tỉnh Shizuoka theo yêu cầu của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan.

Đây là một quyết định đầy khó khăn đối với Điện lực Chubu bởi vì, nhà máy có tổng sản lượng tới 3,5 triệu KW này đang cung cấp điện cho hàng loạt các nhà máy lớn ở miền Trung Nhật Bản, trong đó có các tập đoàn Toyota và Suzuki.

Quyết định đầy khó khăn

Nhà máy Điện hạt nhân Hamaoka từ lâu vẫn là tâm điểm của các cuộc tranh cãi trong dư luận Nhật Bản bởi nhà máy nằm gần một dãy đứt gãy lớn bên bờ Thái Bình Dương thuộc thành phố Omaezaki, tỉnh Shizuoka, phía Tây Nam thủ đô Tokyo.

Đây là khu vực được dự báo có khả năng xảy ra một siêu trận động đất có cường độ lên tới 8 độ Richter. Trong lịch sử, các trận động đất mạnh như vậy đã xảy ra ở khu vực này với tần suất từ 100 đến 150 năm/lần.

Theo dự báo của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, khả năng xảy ra một trận động đất có cường độ mạnh như vậy ở khu vực Tokai, miền Trung Nhật Bản, lên tới 87% trong vòng 30 năm tới.

Trong khi đó, Hội đồng Quản lý Thảm họa Trung ương của Chính phủ Nhật Bản nhận định nếu ba trận động đất xảy ra đồng thời ở khu vực tâm điểm (gồm các khu vực Tokai, Tonankai và Nankai), cường độ động đất có thể lên tới 8,7 độ và có thể gây ra sóng thần có chiều cao từ 6 đến 7m.

Tuy nhiên, các bài học từ thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 cho thấy cường độ động đất và quy mô sóng thần có thể vượt quá tất cả các dự báo trước đó của các nhà khoa học. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra các sự cố liên tiếp tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I ở tỉnh Fukushima.

Vì vậy, những lời kêu gọi đóng cửa nhà máy Hamaoka đã tăng mạnh trong dư luận Nhật Bản, buộc các quan chức Chính phủ nước này phải cân nhắc về khả năng tạm ngừng hoạt động nhà máy này.

Trên thực tế, Chính phủ Nhật Bản không muốn đóng cửa nhà máy Hamaoka bởi vì nước này đã rơi vào tình trạng thiếu điện sau khi một số nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện phải ngừng hoạt động do ảnh hưởng của thảm họa kép ngày 11/3.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã áp dụng hàng loạt các biện pháp như bổ nhiệm Quốc vụ khanh Renho phụ trách chiến dịch tiết kiệm điện trên toàn quốc, buộc các các doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn 500KW phải cắt giảm 25% lượng điện tiêu thụ và kêu gọi người dân tiết kiệm điện. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này sẽ rơi vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong mùa hè này.

Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản cũng lo ngại việc yêu cầu nhà máy Hamaoka ngừng hoạt động có thể châm ngòi cho làn sóng đòi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân khác ở nước này và khiến tình trạng thiếu điện trở nên trầm trọng hơn.

Mặc dù vậy, do sức ép ngày càng tăng từ phía người dân và phe đối lập, nhất là khi Chính phủ bị chỉ trích mạnh mẽ do phản ứng kém trong việc khắc phục thảm họa kép ngày 11/3 và sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I, ngày 6/5, Thủ tướng Kan đã phải ra “quyết định chính trị” đầy khó khăn khi yêu cầu Điện lực Chubu tạm ngừng hoạt động tất cả các lò phản ứng của nhà máy Hamaoka.

Phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng Kan nói: “Sau nhiều lần cân nhắc vấn đề này, tôi, Thủ tướng Chính phủ, đã ra quyết định này. Đó là một phán quyết, một quyết định được đưa ra sau khi xem xét tình thế đặc biệt của Nhà máy Điện hạt nhân Hamaoka, cân nhắc sự an toàn của người dân và yếu tố an ninh.”

Trong văn bản gửi Giám đốc Chi nhánh Điện lực Chubu ở Tokyo, Chính phủ đã đề nghị ngừng hoạt động nhà máy Hamaoka cho đến khi việc xây dựng các con đê biển và các biện pháp chống sóng thần khác được hoàn tất. Theo dự kiến, các biện pháp này sẽ hoàn thành vào đầu năm 2014.

Tuy nhiên, một vấn đề đã nảy sinh đó là Chính phủ Nhật Bản không thể buộc Điện lực Chubu phải thực hiện yêu cầu này. Thủ tướng Kan thừa nhận đây là một biện pháp nằm ngoài khuôn khổ pháp lý khi nói “hệ thống pháp lý hiện nay không cho phép đưa ra một quyết định chính thức như chỉ thị hay mệnh lệnh.” Vì vậy, việc ban lãnh đạo Điện lực Chubu quyết định tạm ngừng hoạt động nhà máy này đã giúp tháo gỡ trở ngại pháp lý đó.

Và những thách thức lớn

Với việc Nhà máy Điện hạt nhân Hamaoka sẽ phải ngừng hoạt động, thách thức lớn nhất đối với Điện lực Chubu lúc này là đảm bảo công suất phát điện để đáp ứng nhu cầu điện năng được dự báo sẽ tăng mạnh trong mùa hè này, nhất là khi nhà máy Hamaoka hiện chiếm tới 11,7% sản lượng điện của công ty này.

Trước khi có quyết định trên, các lò phản ứng số 4 và 5 của nhà máy này vẫn đang hoạt động. Điện lực Chubu hy vọng sẽ tái khởi động lò phản ứng số 3 vào đầu tháng 7 sau khi hoàn tất việc kiểm tra định kỳ.

Các lò phản ứng số 1 và 2 đã được đưa vào hoạt động từ những năm 1970 và đã phải ngừng hoạt động. Công ty dự định sẽ dỡ bỏ các lò phản ứng cũ này bởi vì chi phí để tăng cường khả năng chống động đất cho hai lò này lên tới 300 tỷ yên, và dự định sẽ xây dựng lò phản ứng thứ 6 để thay thế.

Phát biểu với các phóng viên ngày 9/5, ông Akihisa Mizuno, Chủ tịch Điện lực Chubu, nói: “Tại cuộc họp bất thường hôm nay, chúng tôi đã quyết định tạm ngừng hoạt động các lò phản ứng số 4 và 5, và hoãn việc tái khởi động lò phản ứng số 3.” Trong thời gian ngừng hoạt động, Công ty dự định sẽ tiến hành các biện pháp tăng cường sự an toàn cho nhà máy này.

Để bù đắp lượng điện thiếu hụt sau khi nhà máy Hamaoka ngừng hoạt động, trước mắt, Điện lực Chubu sẽ phải tái khởi động các nhà máy nhiệt điện đang tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ làm gia tăng chi phí hoạt động của Điện lực Chubu. Theo tính toán của công ty này, nhu cầu điện năng trong mùa Hè tới sẽ tăng thêm 800.000 KW nếu nhiệt độ tăng thêm 1oC. Để đáp ứng nhu cầu này chỉ bằng các nhà máy nhiệt điện, chi phí nhiên liệu tăng thêm sẽ là 700 triệu yên/ngày hay 250 tỷ yên/năm.

Mặt khác, vấn đề đảm bảo đủ nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện vẫn là một câu hỏi lớn đối với Điện lực Chubu trong bối cảnh TEPCO cũng đang cố gắng bù đắp lượng điện thiếu hụt sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I bằng cách tái khởi động hoặc xây mới các nhà máy nhiệt điện.

Hãng tin Jiji Press cho biết Điện lực Chubu dự định sẽ đưa ra một số điều kiện để ngừng hoạt động nhà máy này, trong đó có yêu cầu Chính phủ phải hỗ trợ để mua nhiên liệu phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện. Bên cạnh đó, công ty này cũng muốn Chính phủ đảm bảo rằng nhà máy này sẽ được phép hoạt động trở lại sau khi tăng cường các biện pháp an toàn.

Theo Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản (NISA), Điện lực Chubu sẽ mất khoảng từ 2 đến 3 năm để xây dựng đê chắn sóng và thực hiện các biện pháp khác để đảm bảo trận động đất mạnh hoặc sóng thần sẽ không gây hư hại nhà máy này./.

Thanh Tùng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục