Đào tạo nghề phải tuân theo định chế thị trường

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đào tạo nghề phải theo định chế thị trường, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2010 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ngày 18/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc mà toàn ngành đã nỗ lực thực hiện, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đặt ra trong năm qua.

Phó Thủ tướng nêu rõ mặc dù chịu tác động, sức ép lớn trong bối cảnh kinh tế xã hội chung của cả nước, nhưng các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thực hiện đều đạt kết quả tích cực, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,3%; tạo việc làm hơn 1, 5 triệu người, trong đó xuất khẩu lao động trên 73.000 người…. Những kết quả này của toàn ngành lao động, thương binh và xã hội đã góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của năm 2010 - năm có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) và kế hoạch 5 năm (2006-2010), tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn sắp tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ngành lao động, thương binh và xã hội chú trọng tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực đào tạo nghề.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là khâu then chốt, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc. Hệ thống dạy nghề hiện nay của Việt Nam khá dày, bao gồm 107 trường cao đẳng nghề, 264 trường trung cấp nghề, 864 trung tâm dạy nghề và trên 1.000 cơ sở khác có tổ chức hoạt động dạy nghề.

Với hệ thống này, Phó Thủ tướng cho rằng muốn đào tạo nghề có chất lượng cao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề ngay tại hệ thống dạy nghề của ngành; nâng cao năng lực các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất, xuất khẩu lao động. Ngành cần quan tâm tới đội ngũ giáo viên dạy nghề; triển khai thực hiện đồng bộ chương trình đào tạo giáo viên dạy nghề các cấp.

Trong năm 2010, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chú trọng phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm cho người lao động, trong đó quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp, tạo nghề nông thôn. Đối với thị trường lao động nông thôn, ngành phải chú trọng vào từng lĩnh vực, chuyển đổi cơ cấu hợp lý.

Phó Thủ tướng cho rằng công tác đào tạo lao động cần phải tuân theo định chế thị trường, trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia vào công tác này.

Phó Thủ tướng nhất trí với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống dưới 9,5% như đề xuất, đồng thời đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung sức lực để thực hiện được mục tiêu này; kết hợp thực hiện cùng chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng đề nghị bộ cần lưu ý triển khai các biện pháp để thực hiện được mục tiêu 90% hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống bẳng hoặc cao hơn mức sống bình quân dân cư nơi cư trú; tiếp tục thực hiện cải các hành chính; tham mưu, đề xuất những giải pháp thích hợp để đảm bảo an sinh xã hội…

Năm 2010, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề ra mục tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu người, trong đó tạo việc làm trong nước 1,515 triệu người; xuất khẩu lao động 85.000 người; tỉ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4,7 %; cơ cấu lao động nông lâm ngư nghiệp 50%, công nghiệp và xây dựng 21%; dịch vụ 29%. Đời sống vật chất tinh thần và điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tranh chấp lao động.

Ngành xác định tuyển mới dạy nghề cho 1.748.000 người trong đó đào tạo trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề là 360.400 người, tăng 17% so với thực hiện năm 2009, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 30%./.

Quỳnh Hoa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục