Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 2 đạt 8,2 tỷ USD

Trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,2 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng trước; nhập khẩu tương ứng đạt 9 tỷ USD và tăng khoảng 30%.
Vụ Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết tháng 2, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,2 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng trước; nhập khẩu tương ứng đạt 9 tỷ USD và tăng khoảng 30%.

Cũng theo Vụ này, trong hai tháng đầu năm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh tập trung vào các loại thủy sản, rau quả, hạt điều, chè, dệt may, da giày, gỗ, điện tử máy tính, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng...

Tuy nhiên, mặt hàng càphê lại giảm mạnh cả về lượng và giá, xấp xỉ mức 20% so với năm ngoái; sắn và sản phẩm rơi vào ngưỡng giảm trên 10%; sản lượng gạo cũng giảm 46% so với cùng kỳ với kim ngạch giảm 43%...

Riêng mặt hàng hạt tiêu do giá tăng nên mặt dù lượng giảm 4,5% so với cùng kỳ nhưng kim ngạch lại tăng tương ứng trên 36% so với năm ngoái.

Đáng chú ý, sản lượng xuất cao su tăng tới gần 50% nhưng kim ngạch lại hụt đi hơn 6% so với năm ngoái. Than đá cũng vậy, tháng 2 sản lượng xuất khẩu tăng gần 90% so với cùng kỳ, tuy nhiên mặt hàng này thu về kim ngạch chỉ tăng khoảng 30%.

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2012, Bộ sẽ tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cùng với đó là duy trì và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là các hoạt động thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhằm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13%.

Mặt khác, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường, cảnh báo sớm, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu về các loại rào cản của các nước nhập khẩu nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cải thiện chất lượng hàng hóa tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Xây dựng và ban hành các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với các cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân, hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu.

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp để có thể trụ vững và cạnh tranh được trên thị trường quốc tế thì ngoài việc sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, giá thành thấp, việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm “xanh,” thân thiện với môi trường, là một yếu tố rất quan trọng.

Do đó, đưa công nghệ xanh vào sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được năng lượng, nguồn nguyên liệu và góp phần bảo vệ môi trường, đây chính là tiêu chí để doanh nghiệp phát triển bền vững và là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp.

Đầu tư ban đầu có thể tốn kém chi phí, nhưng về lâu dài, doanh nghiệp sẽ được lợi rất nhiều từ việc sản xuất sản phẩm “xanh”, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu./.

Uyên Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục