Hội nghị trực tuyến về một số nội dung trình Quốc hội

Hội nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng nội dung các tờ trình, báo cáo 2 Đề án trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 3 sắp tới.
Ngày 27/4, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

Hội nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng nội dung các tờ trình, báo cáo 2 Đề án trình Quốc hội trong kỳ họp tới là Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí cao với các định hướng và các giải pháp đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đồng thời, đây cũng là việc làm thiết thực, góp phần chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Đổi mới vừa phải bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, vừa tiết kiệm thời gian làm việc của Quốc hội; phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ, tinh thần đoàn kết, hợp tác, tính sáng tạo của đại biểu Quốc hội.

Cho ý kiến về nội dung đổi mới hoạt động giám sát, các đại biểu đồng tình cao với việc dành toàn bộ thời gian chất vấn tại Hội trường cho việc trả lời câu hỏi trực tiếp; bố trí phiên chất vấn cuối kỳ họp để đại biểu có thời gian chuẩn bị câu hỏi; chất vấn từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận đến cùng. Căn cứ vào kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn trong trường hợp cần thiết.

Nghị quyết nêu rõ những nội dung tán thành, không tán thành; các đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; xác định trách nhiệm trong việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội và thời hạn thực hiện. Nhiều ý kiến tán thành tổ chức hàng năm ít nhất 2 lần chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ít nhất 2 lần báo cáo giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội... Một trong những điểm mới khác nhận được sự đồng tình là chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội được thông qua tại kỳ họp đầu năm để có thời gian, điều kiện triển khai thực hiện.

Liên quan đến hoạt động lập pháp, các đại biểu đề nghị nêu cao hơn nữa vai trò của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra; nâng cao chất lượng dự án trình; kiên quyết không đưa vào Chương trình các dự án không đủ điều kiện; khắc phục tình trạng gửi tài liệu chậm... đồng thời, tăng cường huy động sự tham gia của các đại biểu, các Ủy ban, mà tổ chức hội nghị trực tuyến giữa hai kỳ họp là một hình thức.

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), cần đổi mới chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo hướng mở, linh hoạt, không máy móc, có cơ chế cho việc bổ sung những vấn đề cần ban hành luật ngay. Nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình chuẩn bị, xây dựng để đảm bảo chất lượng dự án luật, pháp lệnh, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị Quốc hội cần có cơ chế giám sát công tác xây dựng luật và việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Hội nghị cũng đã cho ý kiến về các nội dung đổi mới trong tổ chức kỳ họp Quốc hội; tổ chức phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động tiếp xúc cử tri; công tác báo chí, tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc... Trong đó, đáng chú ý là rút ngắn thời gian các kỳ họp song vẫn hoàn thành nội dung chương trình và bảo đảm chất lượng; tăng cường hoạt động thường xuyên giữa hai kỳ họp Quốc hội...

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, cũng có đại biểu băn khoăn, việc rút ngắn thời gian kỳ họp có thể dẫn tới tình trạng hành chính hóa, Quốc hội không thể hoàn thành tốt chương trình đề ra.

Theo đại biểu, vấn đề không phải ở chỗ rút ngắn thời gian họp hay không mà quan trọng là nâng cao chất lượng nội dung và phân bổ thời gian một cách hợp lý. Đại biểu Bùi Nguyên Súy (Ban Dân nguyện) cho rằng, đổi mới quan trọng nhất là mỗi đại biểu phải nêu cao trách nhiệm và chất lượng hoạt động của mình.

Theo nhiều đại biểu, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc để tiếng nói của cử tri đến được với Quốc hội cũng là vấn đề quan trọng cần quan tâm hiện nay, dành thời gian thích đáng để cử tri nêu ý kiến, kiến nghị với nội dung phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng, địa bàn.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm giải quyết các kiến nghị của cử tri. Theo các đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang)..., cải tiến hoạt động của Quốc hội không thể tách rời việc cải tiến tổ chức, bộ máy theo hướng tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan giúp việc; tăng cường đội ngũ đại biểu chuyên trách; sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đặc thù...

Theo chương trình, chiều 27/4, Hội nghị tiếp tục cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế./.

Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục