4,8 tỷ đồng dựng khu tưởng niệm Trần Văn Ơn

Theo Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh, tổng kinh phí xây dựng khu tưởng niệm Anh hùng Trần Văn Ơn ước tính khoảng 4,8 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổng kinh phí xây dựng khu tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Ơn ước tính khoảng 4,8 tỷ đồng.

“Chúng tôi sẽ không thu tiền của sinh viên mà huy động các nguồn lực xã hội của các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp. Sinh viên chỉ góp công,” ông Vinh nói. Cụ thể, do khu tưởng niệm được xây dựng tại Bến Tre nên Hội sinh viên sẽ huy động sinh viên tình nguyện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tập trung về Bến Tre để cùng thi công.

Đây là một trong số rất nhiều hoạt động của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam nhằm hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày mất của anh Trần Văn Ơn, cũng là ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam (ngày 9/1/1950-9/1/2010).

Nhiều hoạt động đã được triển khai từ tháng 11/2009 như cuộc vận động “Sinh viên xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh,” tổ chức cuộc thi Sinh viên Việt Nam với biển, đảo quê hương, cuộc thi Nét bút tri ân…

Trong tuần cao điểm của các hoạt động kỷ niệm (tuần đầu năm 2009), Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động như Lễ phát động phong trào thi đua Sinh viên 5 tốt, ra mắt website Hội Sinh viên Việt Nam, tổ chức giao lưu trực tuyến với thanh niên, sinh viên ngoài nước, đêm dạ hội…

Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam sẽ được tổ chức trọng thể vào 19 giờ ngày 8/1/2010 tại Bến Tre.

Bên cạnh đó, các đơn vị Đoàn, Hội của các tỉnh, thành cũng có rất nhiều hoạt động riêng như Tọa đàm với chủ đề Lý tưởng thanh niên ngày nay của Đoàn thanh niên tỉnh Cần Thơ; Giải bóng chuyền học sinh, sinh viên tỉnh Trà Vinh; Liên hoan tiếng hát sinh viên tỉnh Vĩnh Phúc…

Ngày truyền thống học sinh sinh viên xuất phát từ ngày hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Ơn. Theo tư liệu lịch sử của tỉnh Bến Tre, Trần Văn Ơn sinh năm 1931, tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Vốn sẵn tư chất thông minh và nhạy cảm, anh không những đứng đầu lớp liên tục trong nhiều niên học, được thầy yêu bạn mến, mà còn là một cột trụ của phong trào học sinh yêu nước của Trường Pétrus Ký.

Ngày 9/1/1950, ở Sài Gòn nổ ra một cuộc biểu tình lớn của hàng ngàn học sinh kéo đến dinh của thủ tướng bù nhìn Trần Văn Hữu, đòi phải thả ngay các học sinh, sinh viên bị bắt. Trần Văn Ơn là một thành viên trong Ban lãnh đạo sinh viên, học sinh trong cuộc đấu tranh này.

Trần Văn Hữu cho công an, cảnh sát nổ súng vào đoàn biểu tình. Nhiều em học sinh ngã gục. Trần Văn Ơn bị trúng đạn trong lúc đang cùng một người bạn khiêng nữ sinh Tạ Thị Thâu của Trường Gia Long bị bọn cảnh sát ngụy đánh ngất. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 9/1/1950. Xác Trần Văn Ơn được đưa về bệnh viện Chợ Rẫy, được lực lượng học sinh cùng các y bác sĩ, công nhân ở bệnh viện túc trực canh không cho bọn địch phi tang.

Bàn thờ Trần Văn Ơn được đặt ngay tại Trường Pétrus Ký nghi ngút khói hương với dòng người viếng nối nhau liên tục.

Cái chết của Trần Văn Ơn đã gây nên một niềm xúc động lớn và một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong học sinh, sinh viên và các tầng lớp đồng bào đô thị.

Tháng 3/2000, anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục