Bước cản “tâm lý” khiến thị trường "lình xình"

Tuần giao dịch kết thúc tháng Ba và khởi đầu của tháng Tư được giới chuyên gia chứng khoán dự báo sẽ không có nhiều yếu tố thuận lợi. Các chuyên gia cho rằng tâm lý yếu của các nhà đầu tư đang tác động rất lớn đến xu hướng của thị trường.
Tuần giao dịch kết thúc tháng Ba và khởi đầu của tháng Tư được giới chuyên gia chứng khoán dự báo sẽ không có nhiều yếu tố thuận lợi.

Giằng co dai dẳng

Phân tích cụ thể diễn biến tuần qua, báo cáo tuần của Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) nhận định, VN-Index điều chỉnh trong hai phiên đầu tuần với thanh khoản giảm mạnh, lực cầu dè dặt đối nghịch với sự sốt ruột của bên cung. Tuy nhiên sang tới phiên kế tiếp, do VN-Index đã tiến sát ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 505 điểm đồng thời cộng với hiệu ứng từ thị trường Mỹ (Dow Jones tăng vượt mốc 10.800 điểm), thị trường lại một lần nữa tìm được động lực đảo chiều, VN-Index tăng lên mức 512 điểm.

KLS chỉ ra thêm một yếu tố khác, phiên đó cũng là phiên trước ngày chốt của cổ phiếu SSI. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sau khi SSI chốt chia thưởng, cổ phiếu này sẽ tăng mạnh, kéo theo đà tăng của tất cả cổ phiếu ngành chứng khoán cũng như các cổ phiếu blue-chips khác. Song, thực tế không như kỳ vọng, ngày 25/3, sau khi chia thưởng, lập tức SSI có lượng cầu đột biến lên tới 5 triệu cổ phiếu dư mua ở giá trần. Nhưng ngoài SSI tăng giá, còn lại các cổ phiếu blue-chips khác đều giảm.

Song bỏ qua yếu tố tâm lý, một lượng tiền “chịu được rủi ro” đã nhảy vào “bắt đáy” khi VN-Index quay trở về dưới vùng 505 điểm, do đó phiên cuối tuần thị trường lại tăng nhẹ với lượng cầu cải thiện.

“Nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng khi VN-Index giảm về dưới 520 điểm, trong tuần trước khối ngoại đã mua ròng 913 nghìn cổ phiếu, tương đương 114 tỷ đồng. Trong đó cổ phiếu được mua nhiều nhất là BVH, HAG, HSG, FPT, bán mạnh EIB, PPC, DQC, DPM,” theo thống kê của KLS.

Tâm lý rã đám

Với những dữ liệu biến động ở trên, các chuyên gia cho rằng tâm lý yếu của các nhà đầu tư đang tác động rất lớn đến xu hướng của thị trường.

Theo chị Nguyễn Thị Minh Hằng, Trưởng phòng chăm sóc khách hàng, Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng gia (IRS), các nhà đầu tư lớn vào thị trường chưa nhiều. Nguyên nhân, thị trường chứng khoán chưa tạo được sự hưng phấn như năm trước. Trong khi đó, các nhà đầu tư bám sàn lại bắt đầu nản lòng trước những diễn biến "khó chơi" của thị trường.

Quan sát dòng tiền trên thị trường, chị Hằng cho rằng: “Hiện nay đang có một lượng tiền rút ra chảy về kênh bất động sản. Hơn nữa, động thái trả tiền vay ồ ạt của các nhà đầu tư sử dụng đòn bảy cũng tác động làm giảm sút dòng tiền trên thị trường."

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APEC) cho rằng, những tin tức chưa thực sự tốt về vĩ mô như: chỉ số lạm phát quý I/2010 tăng lên 4,1%; lãi suất thị trường có xu hướng tiếp tục giữ ở mức khá cao, với mức cho vay phổ biến trên 15%... Bên cạnh đó tỷ suất lợi nhuận thấp từ đầu tư chứng khoán đã tạo ra "lực cản tâm lý” trong các nhà đầu tư cá nhân.

Ông Bình nhận định, tháng Tư không có nhiều yếu tố đẩy thị trường đi lên, vì vậy VN-Index khả năng lình xình lên-xuống trong biên độ hẹp, ngưỡng cản kỹ thuật 530-545 điểm là thách thức lớn đối với VN-Index.

Nhìn ngắn hạn hơn, chị Hằng cũng đồng tình với áp lực giải chấp tại đỉnh 530 điểm sẽ là mối đe dọa xu hướng tới đây của thị trường. Mặc dù trên thị trường có lực “bắt đáy” nhưng cũng phải chờ quan sát hết ba phiên cuối cùng của tháng Ba, mới có thể đưa ra quyết định ngắn hạn.

Trong báo cáo tuần của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), mặc dù các chuyên gia của FPTS cũng đồng quan điểm cho rằng, tâm lý bi quan đang trở thành yếu tố chi phối mạnh mẽ nhất tới quyết định của nhiều nhà đầu tư chứ không phải thông tin vĩ mô hay tin doanh nghiệp. Song, FPTS lại tỏ ra lạc quan hơn và kỳ vọng yếu tố nâng đỡ thị trường trong tuần này có thể đến từ sự vận động đi lên của thị trường chứng khoán thế giới./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục