Ngân hàng của Libya vay FED hàng chục tỷ USD

FED đã cho ngân hàng Arập, hiện do nhà nước Libya quản lý, vay tổng cộng 26 tỷ USD thông qua 46 chương trình cứu trợ tài chính.
Ngày 31/3, lần đầu tiên trong lịch sử 98 năm tồn tại, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố tên những ngân hàng trong và ngoài nước phải vay "nóng" cơ quan này trong cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu.

Số liệu của FED cho biết vào thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng (kéo dài từ tháng 8/2007 đến tháng 3/2010), Ngân hàng Trung ương Mỹ đã cho các ngân hàng trong và ngoài nước vay 110 tỷ USD dưới hình thức vay chiết khấu - hình thức cung cấp khoản vay khẩn cấp bằng tiền mặt với tỷ lệ chiết khấu thấp cho những ngân hàng gặp khó khăn.

Các ngân hàng trong nước được hưởng lợi nhiều nhất từ hình thức vay này là Ngân hàng Wachovia (15 tỷ USD) và Ngân hàng Morgan Stanley (1,25 tỷ USD).

Ngân hàng ngoài nước vay tiền của FED nhiều nhất trong giai đoạn nói trên là Ngân hàng liên doanh của Bỉ và Pháp Dexia (26,5 tỷ USD), Ngân hàng Depfa thuộc tổ hợp bất động sản Hypo Real Estate Holding của Đức (24,6 tỷ USD) và Tập đoàn Ngân hàng số 11 của Arập (1,1 tỷ USD).

Liên quan tới Tập đoàn Ngân hàng Arập nói trên (hiện do nhà nước Libya quản lý với 59,3% cổ phần), các số liệu của FED cho thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ vừa qua, tập đoàn này thường xuyên có mặt trong danh sách khách hàng của FED.

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Bernie Sanders cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 3/2009 đến tháng 3/2010, FED đã cho ngân hàng Arập có trụ sở tại Bahrein này vay tổng cộng 26 tỷ USD thông qua 46 chương trình cứu trợ tài chính với lãi suất thấp.

Ngoài ra, khi chính phủ Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty tài chính Libya hôm 23/3 vừa qua, tập đoàn này cũng không thuộc nhóm đối tượng chịu lệnh trừng phạt.

Động thái trên đã làm dấy lên sự hoài nghi trong các nghị sỹ Mỹ về mục đích thực sự của FED qua các chương trình cứu trợ tài chính dành cho thể chế thuộc quyền sở hữu của Ngân hàng trung ương Libya này, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ở Mỹ vẫn chưa được tiếp cận nguồn cứu trợ khẩn cấp.

Trong danh sách của FED còn có các Ngân hàng Barclay Bank PLC của Anh, Ngân hàng Erste Group của Áo, Ngân hàng Royal Bank của Scotland, Ngân hàng Commerzbank của Đức và Ngân hàng Societe Generale của Pháp, với các khoản vay lên tới vài tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục