“Mỹ lợi dụng tranh chấp biển đảo để tăng ảnh hưởng”

Ông Trần Kiện, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản cáo buộc rằng Mỹ “đang khai thác những mâu thuẫn giữa các nước trong khu vực.”

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) số ra ngày 31/10, ông Trần Kiện, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, cáo buộc Mỹ đang lợi dụng các tranh chấp biển đảo của Trung Quốc để gia tăng ảnh hưởng của Washington trong khu vực.

 

Trần Kiện, người giữ chức Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản từ năm 1998 đến năm 2001, ngày 30/10 đã nói rằng Mỹ “đang khai thác những mâu thuẫn giữa các nước trong khu vực” khi căng thẳng lên cao giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, đặc biệt là với Nhật Bản, nước đang có tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Bắc Kinh trên biển Hoa Đông.

 

Phát biểu tại Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài ở Hong Kong, cựu Đại sứ Trần Kiện, người hiện đang giữ cương vị Chủ nhiệm khoa tại Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân, đã nói rằng "Mỹ có lợi khi các nước trong khu vực mâu thuẫn với Trung Quốc. Đây là điều hiện không còn là bí mật nữa.”

[Chưa đến thời điểm cho hội đàm cấp cao Nhật-Trung]

 

Phát biểu của cựu Đại sứ Trần Kiện được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Tokyo vẫn đang tiếp tục đe dọa nhau xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Cuộc tranh chấp kéo dài này đã trở nên sục sôi vào tháng trước sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda công bố kế hoạch của Chính phủ quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku bằng cách mua lại các hòn đảo ở đó từ các chủ sở hữu tư nhân.

 

Ngày 30/10, 4 tàu Hải giám Trung Quốc lại một lần nữa xâm nhập vùng biển gần quần đảo tranh chấp. Nhà chức trách Trung Quốc nói rằng các tàu này đang tiến hành “các biện pháp xua đuổi các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản.”

 

Trong khi đó, theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, một trong các tàu Hải giám đã phát đi một thông điệp tới các tàu Nhật Bản rằng các tàu này đang ở trong vùng biển của Trung Quốc và ra lệnh cho họ phải rời khỏi vùng biển đó.

Một người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết các tàu của cả hai bên đều đã phát tín hiệu yêu cầu đối phương rời khỏi vùng biển tranh chấp.

 

Bắc Kinh và Đài Loan hiện đang lập luận rằng Tokyo đã chiếm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần đầu tiên vào năm 1895 và nên trả lại quần đảo này sau khi thua trận trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Mặc dù vậy, Tokyo khẳng định rằng họ đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này từ những ngày trước chiến tranh.

 

Cựu Đại sứ Trần Kiện đã đổ lỗi cho Mỹ, nước quản lý quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong một phần tư thế kỷ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, là đã gài “một quả bom hẹn giờ” vào năm 1971, khi Washington trao quyền kiểm soát quần đảo này cho Nhật Bản. Washington hiện đang sử dụng hậu quả căng thẳng từ việc này để hỗ trợ cho chiến lược quân sự chuyển trọng tâm trở lại khu vực châu Á.

[Trung Quốc “bóng gió” với Mỹ về vấn đề Điếu Ngư]

 

Ông Trần Kiện nhấn mạnh: "Nhật Bản hiện đang được Mỹ sử dụng như một điểm chiến lược cho sự trở lại châu Á của họ. Mỹ đang thúc giục Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn ở khu vực trong lĩnh vực an ninh, chứ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, vốn phù hợp với mục đích của các nhóm cánh hữu ở Nhật Bản.”

 

Cựu Đại sứ Trần Kiện cho rằng Mỹ đang tìm cách kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh thận trọng bởi vì sự ủng hộ dễ nhận thấy được từ Washingtoncó thể khiến một số nước “đẩy tranh cãi với Trung Quốc đi quá xa.”

 

Cựu Đại sứ Trần Kiện nói rằng Mỹ nên giữ khoảng cách xa hơn giữa họ với Nhật Bản và gây sức ép để Tokyo ngồi vào bàn đàm phán. Ông này cũng nói rằng sẽ là “không khôn ngoan” nếu như các chính trị gia Nhật Bản khiêu khích Trung Quốc hơn nữa.

Theo ông Trần Kiện, Bắc Kinh đang hành động để bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng cũng kêu gọi tiếp tục liên lạc giữa hai phía để ngăn chặn một cuộc xung đột không chủ ý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục