"Ngân hàng Trung ương chỉ nên theo đuổi 1 mục tiêu"

Theo IMF, việc chỉ theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát, trong lúc này, sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt các công cụ điều hành tiền tệ.
"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần được trao một nhiệm vụ rõ ràng và sự độc lập nhiều hơn để theo đuổi mục tiêu chính sách chủ đạo là ổn định giá cả," bà Nombulelo Duma, chuyên gia kinh tế đến từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phát biểu như vậy tại Hội thảo bàn về những thách thức chính sách trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thu nhập trung bình, do IMF và Ngân hàng Nhà nước đồng phối hợp tổ chức sáng nay, 14/3, tại Hà Nội.

Theo bà Nombulelo Duma, có một thực tế là trong thời gian qua, Ngân hàng Trung ương của Việt Nam luôn phải "chạy" theo hai mục tiêu: Kiềm chế lạm phát và tăng trưởng. "Việc theo đuổi nhiều mục tiêu, trong khi các mục tiêu này lại mâu thuẫn với nhau sẽ dẫn đến việc điều hành chính sách tiền tệ không phát huy được tác dụng,"

Chính vì vậy, một trong 3 khuyến nghị mà bà Nombulelo Duma đưa ra tại hội thảo này, đó là bên cạnh việc Ngân hàng Trung ương cần phải có sự độc lập hơn nữa, thì việc xóa bỏ dần sử dụng các biện pháp quản lý hành chính về lãi suất và sự phân bổ tín dụng cũng như tăng trưởng tín dụng là cần thiết. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần thiết lập hành lang lãi suất như một công cụ quan trọng của chính sách tiền tệ, trong đó kết hợp cả lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi.

Các biện pháp này, theo chuyên gia của IMF, sẽ giúp cho việc điều hành chính sách tiền tệ được nhịp nhàng hơn, hỗ trợ tích cực cho việc đồng bộ các chính sách vĩ mô để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức về mặt chính sách trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi.

Nhìn ở một góc độ khác, chuyên gia đến từ Ngân hàng Nhà nước nhận định, thực tế diễn biến của Việt Nam cho thấy có rất nhiều cú sốc trong những năm vừa qua, ví dụ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). "Vậy thì giải thích thế nào về những cú sốc ấy tác động vào chính sách-đó cũng là một câu chuyện lớn," vị chuyên gia này nói.

Bên cạnh đó, mọi chính sách lớn đều có độ trễ. Vậy, đánh giá "độ trễ" đó như thế nào để điều hành chính sách của ngày hôm nay sao cho phù hợp với trong tương lai để đảm bảo tăng trưởng cao và bền vững cũng là "nút thắt" cần giải quyết.

Nhìn chung, các đại biểu tham dự hội thảo đều nhất trí khi cho rằng kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn để vượt lên thành một nước thu nhập trung bình, mà không rơi vào chính cái "bẫy" này. Trên cơ sở học hỏi những kinh nghiệm đã thành công từ các nước trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ trong việc vượt qua những thách thức trong quá trình chuyển đổi thành nước thu nhập trung bình và những khuyến nghị của IMF cùng với cân nhắc các điều kiện cụ thể của Việt Nam, chính phủ sẽ đưa ra những quyết sách phù hợp, để đảm bảo ổn định và tăng trưởng./.

Khánh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục