Bộ sưu tập đồ đồng tại Huế hấp dẫn khách du lịch

Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế hiện quản lý, sưu tập các hiện vật đồ đồng có niên đại từ thế kỷ 17-20 được lưu giữ tại Cố đô Huế.
Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế hiện quản lý và sưu tập các hiện vật đồ đồng có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, phần lớn được lưu giữ tại các địa điểm của hệ thống di tích Cố đô Huế.

Trong đó, bao gồm nhóm các đồ dùng trong hoạt động của triều đình như ấn, thẻ bài, sách đồng, tiền xu, dụng cụ đo lường; đồ trang trí như các con thú, bình hoa; đồ nhạc khí như chuông, khánh, chiêng; đồ thờ tự và nghi lễ như chân đèn, lư, bình hoa; con vật linh như con nghê; các loại vũ khí như súng thần công, gươm, giáo)…

Hai hiện vật trong số đó là Cửu đỉnh Huế và Cửu vị thần công nằm trong nhóm 30 bảo vật quốc gia (đợt đầu) của nước ta vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định công nhận.

Ở Huế, việc trang trí trên chất liệu đồng là một trong những yếu tố góp phần làm nên nét đặc sắc của mỹ thuật thời Nguyễn. Ngoài những họa tiết được hình thành từ quá trình đúc, gò, chạm... người thợ còn áp dụng nguyên tắc khảm tam khí lên chất liệu đồng như vàng, bạc, đồng đỏ. Nhờ tính năng bền vững này nên đồ đồng thường được trang trí các kiểu thức rất phong phú, trong đó mô típ được sử dụng nhiều nhất là linh vật và các hoa văn cung đình.

Cửu đỉnh Huế được xem là bộ sách ảnh bằng đồng của Việt Nam, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật. Đây là bộ gồm chín cái đỉnh đồng lớn được đặt trước sân Thế miếu nhà Nguyễn trong Hoàng thành Huế.

Theo lệnh của vua Minh Mạng việc đúc Cửu đỉnh được khởi công từ mùa đông 1835 và khánh thành năm 1837. Trong số 162 họa tiết chạm nổi trên các đỉnh đồng của nhà Nguyễn ở Huế có tới 90 hình ảnh là về các loài động thực vật đặc trưng của Việt Nam, từ cây lúa nước cho đến cây lấy quả, cây lấy gỗ, các loài dược liệu, hương liệu và hoa.

Việc đưa những hình ảnh từ những loài cây rất đời thường tới những loài cây quý hiếm vào Cửu đỉnh, thể hiện vương quyền của triều đình, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các loài thực vật đối với con người Việt Nam và sự phồn vinh của đất nước.

Cửu vị thần công là chín khẩu súng đại bác được đúc dưới thời vua Gia Long từ tháng 2/1803 đến tháng 1/1804. Trong hàng chục khẩu súng thần công bằng đồng được đúc dưới thời các vua Nguyễn, chín khẩu súng đúc thời Gia Long có kích thước lớn nhất và được trang trí đẹp nhất. Tên mỗi khẩu đại bác được gọi theo tên bốn mùa (tứ thời) trong năm là Xuân, Hạ, Thu, Đông và năm yếu tố tự nhiên (ngũ hành) là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; rồi khắc thành chữ ở nuốm từng đuôi súng.

Năm 1816, chín khẩu súng này còn được triều đình Gia Long tặng thêm tên mới là "Thần oai Vô địch Thượng tướng công Cửu vị." Bảy chữ đều được khắc trên mỗi khẩu súng. Chín khẩu đại bác này thuở trước được đặt ở lũy ngoài kinh thành, lui về phía trái Ngọ Môn. Sang đầu thế kỷ 20, được chuyển vào bên trong, xếp thành hai nhóm. Nhóm bên tả xếp phía sau cửa Thể Nhơn gồm bốn khẩu, được đặt tên theo bốn mùa: Xuân-Hạ-Thu-Đông; nhóm bên hữu xếp phía sau cửa Quảng Đức gồm năm khẩu, được đặt tên theo ngũ hành: kim-mộc-thủy-hỏa-thổ.

Ngoài ra, hiện vật tiêu biểu bằng đồng ở Huế còn có Chuông (còn gọi Đại hồng chung) tại chùa Thiên Mụ. Chuông chùa này được đúc từ thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (năm 1710) để cúng cho ngôi Quốc tự, nặng hơn 2.000kg, cao 2,5m, đường kính miệng 1,40m, tồn tại đến nay gần 300 năm. Chuông đã trở thành bảo vật của Phật giáo xứa Thuận Hóa-Phú Xuân (nay là thành phố Huế).

Bộ sưu tập Vạc đồng của Bảo tàng cổ vật cung đình Huế hiện cũng còn lưu giữ và trưng bày 15 chiếc vạc đồng, là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện trình độ kỹ thuật đúc và mỹ thuật tuyệt vời. Trong số đó, 11 chiếc được đúc từ thời các chúa Nguyễn, còn bốn chiếc được đúc vào thời Minh Mạng, tất cả để tỏ rõ uy quyền của vua chúa thời bấy giờ...

Hiện tại, tất cả những cổ vật được trưng bày tại bảo tàng đều là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, tồn tại mãi với thời gian và hết sức hấp dẫn đối với khách du lịch..../.

Quốc Việt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục