Hiến đất cho phúc lợi

Phong trào hiến đất cho phúc lợi tại Quảng Ninh

Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, phong trào hiến đất xây công trình phúc lợi của người dân vùng mỏ diễn ra sôi động.
Từ khi có cuộc phát động xây dựng nông thôn mới, phong trào hiến đất của người dân vùng đất mỏ Quảng Ninh càng khởi sắc, đâu đâu cũng có người dân hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi. Số đất được hiến lên tới vài chục nghìn mét vuông, trị giá nhiều chục tỷ đồng.

Gia đình ông bà Vũ Văn Tiến và Nguyễn Thị Tuyến ở tổ 3, khu 10, phường Phương Đông (thành phố Uông Bí) thuộc diện hộ có kinh tế trung bình so với mặt bằng chung dân cư khu vực nhưng gia đình bà lại có một nghĩa cử cao đẹp, hiến hơn 600m2 đất cho phường Phương Đông để làm đường giao thông.

Nhiều người cho rằng ông bà bị “gàn” hay chơi “trội,” bỏ mặc mọi điều nhỏ to, gia đình bà vẫn thực hiện nhiệt tâm hiến đất mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Bà Tuyến tâm sự gia đình cũng phải thảo luận mất mấy ngày, cuối cùng đi đến quyết định để đời, hiến một phần đất cho Nhà nước.

Theo giá thị trường, khu đất nhà bà Tuyến có giá khoảng 3 triệu đồng/m2, nếu bán diện tích đất hiến cũng có một khoảng tiền kha khá, để trang trải kinh tế gia đình, nâng cấp nhà cửa. Song điều đó không quan trọng bằng việc dành đất để xây dựng con đường liên phường, xã thêm thẳng, to rộng.

Thời buổi tấc đất, tấc vàng, vậy nhưng ở Uông Bí không chỉ có gia đình bà Thích hiến đất. Toàn thành phố có khoảng 1.375 hộ gia đình hiến đất để mở mang đường giao thôn liên phường, xây nhà văn hoá và các công trình phúc lợi khác, với tổng diện tích 41.267m2, trị giá trên 59 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Hội phụ nữ thành phố Uông Bí, chia sẻ Hội phụ nữ tìm ra những hạt nhân “nòng cốt” để hiến đất trước, từ đó tuyên truyền để chị em cùng làm theo. Chị em phụ nữ với tính kiên trì bền bỉ, “mưa dầm thấm lâu,” đã vận động các hộ dân hiến đất. Bản thân các hội viên thực hiện hiến trước, từ đó qua hệ thống truyền thanh cơ sở, tuyên truyền để “làng nước” hiểu và cùng làm theo.

Phong trào hiến đất ở Uông Bí đã “khơi gợi nguồn mạch,” lan tỏa và lôi cuốn các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cùng vào cuộc, nhất là từ đầu năm 2011, khi Quảng Ninh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ Móng Cái, Hải Hà vùng biên đến Ba Chẽ, Tiên Yên, Hoành Bồ vùng núi, danh sách hiến đất cứ dài thêm, ở xã nào cũng có gia đình hiến đất, xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông theo tinh thần nông thôn mới.

Đến thời điểm này, toàn huyện Hải Hà có hơn 500 hộ tình nguyện hiến gần 60.000m2 đất để xây nhà văn hóa và làm đường giao thông (trong đó hàng trăm hộ gia đình hiến đất với tổng diện tích 28.921m2 để xây nhà văn hóa). Điển hình như xã Quảng Sơn có 2 hộ hiến 1.000m2; xã Quảng Thịnh có 4 hộ hiến 1.500m2; xã Quảng Thành 2 hộ hiến 900m2, đất để xây nhà văn hóa thôn.

Ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Long, địa phương đi đầu trong phong trào hiến đất, phấn khởi nói toàn xã có 211 hộ tình nguyện hiến đất với diện tích 24.771m2 để làm 22km đường liên thôn (đắp đất mở rộng nền đường từ 2m lên 3,5-4m). Đường sá đựơc mở rộng, đổ bêtông phẳng lỳ, giao thương thuận lợi, sẽ giúp cho địa phương ngày thêm khởi sắc.

Còn ông Nguyễn Văn Ngàn, Trưởng Ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đánh giá phong trào người dân hiến đất xây dựng nông thôn mới như “cuộc cách mạng” trong thời bình. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, người dân có khẩu hiệu “xe chưa qua, nhà không tíếc.” Còn nay, người dân một số huyện, thị của Quảng Ninh đã chặt cả đồi chè, đồi cây ăn quả, phá nhà, công trình phụ, tường rào để dành đất cho xây dựng công trình phúc lợi.

Việc hiến đất là một nghĩa cử đẹp có ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo mặt bằng “sạch” để xây dựng những công trình phúc lợi đạt tiến độ nhanh hơn, kịp thời phục vụ chính nhu cầu của người dân. Mặt khác, nó còn làm cho bộ mặt nông thôn đổi thay, đường giao thông rộng hơn, tạo đà tốt cho công cuộc hiện đại hóa, cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn ở những huyện, xã, bản miền núi, biên giới.

Để khơi được “nguồn mạch” hiến đất của người dân, tỉnh Quảng Ninh đã phát huy tối đa các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên trong thực hiện tuyên truyền để người dân vào cuộc. Rõ ràng cách làm này đã phát huy "công năng." khơi dậy tinh thần vì tập thể của người dân vùng đất mỏ anh hùng.

Thời gian tới đây, bên cạnh vận động người dân hiến đất xây dựng công trình phúc lợi, tỉnh Quảng Ninh còn huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, đạt các tiêu chí vào năm 2015./.

Mạnh Khánh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục