Citigroup bán cổ phần tại HDFC nhằm bổ sung vốn

Citigroup quyết định bán gần 10% cổ phần tại Tập đoàn tài chính và phát triển nhà ở (HDFC) Ấn Độ, với giá 1,9 tỷ USD nhằm huy động vốn.
Ngân hàng Citigroup của Mỹ vừa quyết định bán gần 10% cổ phần của mình tại Tập đoàn tài chính và phát triển nhà ở (HDFC), tập đoàn cho vay thế chấp lớn nhất Ấn Độ, với giá 1,9 tỷ USD, chấm dứt sự hợp tác kéo dài 7 năm qua và giúp Citigroup huy động được số vốn cần thiết cho hoạt động kinh doanh hiện tại.

Citigroup, ngân hàng lớn thứ ba nước Mỹ xét về giá trị tài sản, cho biết việc bán 145,3 triệu cổ phiếu, tương đương 9,85% cổ phần của ngân hàng này tại HDFC, là một phần trong nỗ lực quy hoạch vốn của Citigroup. Hầu hết số cổ phiếu nói trên được bán cho các tổ chức đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị ước khoảng 1,9 tỷ USD và số tiền mà Citigroup thu về sau thuế là khoảng 722 triệu USD.

Giám đốc điều hành của Citigroup tại Ấn Độ, Pramit Jhaveri nói: "Chúng tôi hài lòng với kết quả đầu tư tại HDFC. Tuy nhiên, Citigroup phải quyết định bán cổ phần của mình tại HDFC do tập đoàn tài chính này đang phải đối mặt với nguy cơ rút bớt số cổ phần ít ỏi tại công ty môi giới Morgan Stanley Smith Barney trị giá nhiều tỷ USD.”

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng có thể Citigroup bán cổ phần của mình tại HDFC là để bổ sung nguồn vốn nhằm giúp ngân hàng này đáp ứng các quy tắc nghiêm ngặt mới về an toàn vốn toàn cầu (Basel III), yêu cầu các nhà tín dụng phải có lượng dự trữ cao hơn để chịu được những cú sốc tài chính. Động thái trên đã khiến giá cổ phiếu của HDFC giảm 3,45%, xuống còn 676,20 rupee/cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối tuần trước tại Ấn Độ.

Mới đây, các ngân hàng quốc tế khác như HSBC (Anh) và Goldman Sachs (Mỹ) cũng vừa bán một số tài sản không được coi là điểm “đầu tư cốt lõi” của họ tại châu Á, nhằm đáp ứng các quy định của Basel III, dự kiến sẽ được áp dụng từ năm 2013. Đầu tháng 2/2012, công ty cổ phần tư nhân Carlyle Group LP của Mỹ cũng đã bán 1,3 % cổ phần của mình tại HDFC với giá khoảng 270 triệu USD .

Citigroup ký kết thỏa thuận mua cổ phần tại HDFC vào năm 2005, đánh dấu bước tiến quan trọng đầu tiên của một ngân hàng Mỹ vào lĩnh vực ngân hàng Ấn Độ và biến nước này trở thành một thị trường kinh doanh tiềm năng trong mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Citigroup không thể chuyển đổi cổ phần của mình vào các hoạt động đầu tư chiến lược và tạo lợi nhuận từ lượng khách hàng dồi dào của HDFC để quảng bá cho sản phẩm của mình hoặc trở thành một “người chơi” trong thị trường bất động sản của Ấn Độ, do các điều kiện pháp lý quá chặt chẽ tại nước này./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục