Trung Quốc-Nepal nhất trí về độ cao của Everest

Theo hai cách đo đỉnh Everest của Nepal và Trung Quốc đã được chấp nhận, ngọn núi ở biên giới hai nước này cao 8.848m và 8.844,43m.
Trung Quốc và Nepal cuối cùng đã tìm ra một giải pháp cho cuộc tranh cãi dai dẳng về độ cao của núi Everest.

Hai cách đo ngọn núi cao nhất thế giới này đều được chấp nhận, một là chiều cao tính tới hết phần mỏm đá và hai là chiều cao tính tới mỏm có tuyết phủ.

Tại cuộc đàm phán ở Kathmandu trong tuần này, phía Trung Quốc đã chấp nhận đề nghị của Nepal rằng nếu tính tới mỏm có tuyết phủ, chiều cao của núi Everest là 8.848m, đồng thời Nepal cũng chấp nhận đề nghị của Trung Quốc rằng nếu tính đến hết phần mỏm đá, chiều cao của ngọn núi này là 8.844,43m.

Các kết quả này đã giúp chấm dứt cuộc tranh cãi dai dẳng suốt nhiều năm qua giữa hai bên về độ cao chính xác của ngọn núi này.

Everest nằm ở biên giới Trung Quốc và Nepal.

Từ năm 1953 đến nay, hàng nghìn người đã thử sức trèo lên đỉnh Everest. Sherpa Tenzing Norgay và Edmund Hillary là hai người lần đầu tiên chinh phục được ngọn núi cao nhất thế giới này.

Lần đầu tiên người ta bắt đầu tiến hành đo độ cao ngọn núi này là năm 1856. Độ cao 8.848m mà mọi người biết đến từ trước tới nay do một đội đo đạc địa hình của Ấn Độ đưa ra năm 1955, và đó là số đo tính tới mỏm có tuyết phủ.

Tháng 5/1999, một nhà thám hiểm người Mỹ đã dùng công nghệ định vị toàn cầu (GPS) và đưa ra độ cao của Everest là 8.850m.

Hiện con số này vẫn được Hội Địa lý quốc gia Mỹ sử dụng dù không được Nepal chính thức công nhận.

Các chuyên gia địa lý cho rằng Everest đang "lớn," bởi Ấn Độ ngày càng ở địa hình thấp hơn so với Trung Quốc và Nepal do sự dịch chuyển của các thềm lục địa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục