Gắn thẻ vệ tinh cho khỉ

Malaysia vừa gắn thẻ vệ tinh cho loài khỉ mũi dài

Malaysia vừa gắn thẻ vệ tinh cho một chú khỉ mũi dài ở Kinabatangan nhằm bảo tồn loài linh trưởng đặc hữu của vùng Borneo.
Cục động vật hoang dã bang Sabah, Malaysia và Trung tâm cánh đồng Danau Girang (DGFC) vừa gắn thẻ vệ tinh cho một chú khỉ mũi dài ở vùng Kinabatangan như là một phần của sáng kiến bảo tồn loài linh trưởng đặc hữu của vùng Borneo này.

Giám đốc Cục động vật hoang dã bang Sabah tiến sỹ Laurentius Ambu cho biết các nhân viên của cục và tình nguyện viên của DGFC đã lần đầu tiên gắn thẻ vệ tinh cho một con khỉ mũi dài đực nặng 24kg.

Tiến sỹ Ambu cũng nhấn mạnh việc gắn thẻ vệ tinh này là sự bắt đầu của một chương trình bảo tồn và nghiên cứu lâu dài do cục của ông và DGFC khởi xướng dưới sự tài trợ của Quỹ Sime Darby.

Giám đốc DGFC, tiến sỹ Benoit Goossens cho biết việc gắn thẻ vệ tinh nhằm hiểu được đầy đủ về khỉ mũi dài và các tình huống gây khó chịu tác động đến các hoạt động và mật độ của chúng. Điều này sẽ giúp xác định được môi trường sống thích hợp để duy trì liên tục một lượng khỉ mũi dài khả thi trong vùng Kinabatangan.

Theo kế hoạch, Cục động vật hoang dã bang Sabah sẽ cài thẻ vệ tinh cho 10 cá thể trong khu bảo tồn động vật hoang dã Kinabatangan. Đồng thời, cục này cũng bắt khỉ mũi dài trong toàn bang để lấy mẫu máu nhằm phân tích di truyền và nhận dạng ký sinh trùng, lấy mẫu nước bọt để kiểm tra vi rút và vi khuẩn, thu thập vật ký sinh ngoài và dữ liệu hình thể.

Khỉ mũi dài có tên khoa học là Nasalis larvatus và được người Malaysia gọi là “monyet belanda” (khỉ Hà Lan) do có mũi dài và bụng to như những người lính Hà Lan đã từng xâm lược đất nước này. Đây là loài linh trưởng có lông màu nâu đỏ, sống trên cây. Loài này chỉ được tìm thấy ở bán đảo Borneo nằm trên hai nước Malaysia và Indonesia và hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng./.

Xuân Triển/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục