Phòng bệnh sốt xuất huyết từ vệ sinh máng nước

Máng nước là nơi đẻ trứng, phát triển của muỗi sốt xuất huyết nhưng hiện nay tại nhiều hộ gia đình ít để ý xử lý nhằm phòng bệnh.

Hiện nay tại một số địa phương, bệnh sốt xuất huyết đã và đang vào mùa bệnh. Đặc biệt trong thời tiết ẩm và có nhiều mưa sẽ là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh.

Một nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ít được người dân chú ý là máng nước ở mái nhà bị đọng nước từ nước mưa hay các vòi phun nước giải nhiệt trong mùa hè nắng nóng của các hộ dân tại các tỉnh miền Nam.

Tại đây, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có điều kiện và cơ hội sinh sản, phát triển để lây lan bệnh.

Thống kê của ngành y tế cho thấy, trong tháng 11, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước khi số trường hợp mắc bệnh này vẫn không ngừng gia tăng.

Trong tháng Mười Một, trên địa bàn cả nước có 11.300 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết mắc mới, trong đó đã có 12 người tử vong.

Theo thầy thuốc ưu tú Nguyễn Võ Hinh - Nguyên là Giám đốc trung tâm Phòng chống sốt rét ký sinh trùng-côn trùng Thừa Thiên Huế, thực tế cho thấy, máng nước bị đọng nước ở dưới các mái nhà là nơi thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng, sinh sản và phát triển để đảm nhận vai trò truyền bệnh nhưng cộng đồng người dân ít khi chú ý.

Ở những nước nhiệt đới, muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh dengue, sốt xuất huyết, bệnh sốt vàng và các bệnh do virus khác. Muỗi truyền bệnh chủ yếu đẻ trứng ở môi trường gần nhà, ống máng, kẽ lá, ống nứa, lốp xe hỏng, vỏ đồ hộp, bể cạn, máng nước dưới mái nhà, chậu cảnh, lọ cắm hoa...

Tại nhiều gia đình, trong mùa hè nắng nóng, khô hạn; thỉnh thoảng có vài trận mưa giông làm đọng nước ở các máng dẫn nước dưới mái nhà. Máng dẫn nước có thể bị tắc nghẽn do bụi đất, rác thải, lá cây, rêu bám... ngăn lại và nước thải không thể thoát đi một cách tự nhiên tạo nên các thủy vực thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng.

Những nơi đọng nước này thường ít khi được người dân chú ý để xử lý triệt để và phù hợp nhằm góp phần phòng bệnh, nhất là khi có dịch bệnh sốt xuất huyết xảy ra, phát triển.

Để chủ động tránh đọng nước trong các máng nước dưới mái nhà, máng nước cần được các gia đình kiểm tra định kỳ để nạo vét thường xuyên vì có thể do đất bụi, rác rến, lá cây, rong rêu... ngăn lại làm tắc nghẽn.

Vì vậy để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần quan tâm, cảnh báo về khả năng hiện diện của bọ gậy ở các máng nước có thể đọng nước dưới những mái nhà để xử lý phù hợp, góp phần vào biện pháp phòng bệnh hiệu quả./.

Đức Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục