"Cải cách hành chính cần thống nhất về nhận thức"

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng sự thống nhất nhận thức là chìa khóa để triển khai thành công cải cách hành chính.
Ngày 25/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính cho Chánh văn phòng và cán bộ làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính của các bộ, ngành Trung ương, do Văn phòng Chính phủ tổ chức.

Hội nghị được tổ chức nhằm thống nhất về cách hiểu, cách làm trong việc triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính.

Tới dự và phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định làm tốt việc đánh giá tác động sẽ giúp nâng cao chất lượng các thủ tục hành chính dự kiến được ban hành và cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng đây là một công việc khó vì làm thay đổi thói quen, cách làm cũ, mang tính khoa học và khách quan nên đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức cần phải đầu tư đủ thời gian, công sức, trí tuệ cho công việc này.

Thực tế triển khai đề án 30 cho thấy, sự thống nhất về mặt nhận thức, hiểu rõ về cách làm trong toàn bộ hệ thống là chìa khóa để triển khai thành công nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh kiểm soát thủ tục hành chính là một quy trình bắt đầu từ việc đánh giá tác động các quy định về thủ tục hành chính trong quá trình dự thảo do các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thực hiện; gửi lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính; công khai, minh bạch các thủ tục sau khi ban hành và kiểm soát việc thực thi nó trong thực tiễn; tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính nhằm phát hiện và giải quyết những bất cập của các quy định này, cũng như giám sát việc thực thi thủ tục hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức.

Việc đánh giá tác động các quy định về thủ tục hành chính có ý nghĩa thiết thực trong việc tăng cường “trách nhiệm giải trình” trước nhân dân của các ban soạn thảo về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và hiệu quả của quy định về thủ tục hành chính dự kiến ban hành.

Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ thực thi 25 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính và sớm đưa hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính đi vào ổn định, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Các bộ, ngành tập trung nguồn lực xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản thực thi phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã được Chính phủ thông qua tại 25 Nghị quyết, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động các thủ tục hành chính dự kiến được ban hành và việc công bố thủ tục hành chính, cập nhật kịp thời vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính...

Tại hội nghị, các đại biểu được tập huấn về quy trình cho ý kiến đối với dự thảo văn bản có quy định về thủ tục hành chính; biểu mẫu đánh giá tác động theo các tiêu chí: sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp; quy trình thống kê, công bố thủ tục hành chính và cập nhật, duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia; quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính cũng như những hoạt động truyền thông về công tác kiểm soát thủ tục hành chính; hướng dẫn cách thức tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nhằm lượng hóa các chi phí xã hội để tuân thủ các quy định về thủ tục hành chính.

Các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp thực tiễn, giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, lượng hóa các lợi ích mang lại từ các phương án đơn giản hóa. Các bài tập tình huống liên quan đã được Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính đưa ra để các đại biểu thực hành.

Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho biết tính đến ngày 31/3, các bộ, ngành đã ban hành 199 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án đơn giản hóa 1184/4737 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 25%.

Trong đó, Bộ Giao thông và Vận tải dẫn đầu với việc đơn giản hóa 301/405 thủ tục hành chính, đạt 74,3%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đơn giản hóa 235/395, đạt 59%. Bộ Thông tin và Truyền thông đơn giản hóa 64/120 thủ tục, đạt 53%, Bộ Tài chính đơn giản hóa 286/665, đạt 42%./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục