Giá đường tiếp tục ở mức cao do cầu vượt cung

Đường sẽ còn chịu áp lực tăng giá khi nhu cầu tiêu thụ tiếp tục tăng trong khi nguồn cung trong nước lại chưa đáp ứng nhu cầu.
Giá bán lẻ đường đã tăng gấp đôi, từ 11.000-12.000 đồng/kg lên trên 20.000 đồng/kg trong vòng vài tháng qua.

Các chuyên gia thị trường dự báo, mặt hàng đường sẽ còn chịu áp lực tăng giá khi nhu cầu tiêu thụ đường sẽ tiếp tục tăng lên cùng với thời tiết nắng nóng, trong khi nguồn cung đường trong nước lại chưa đáp ứng được nhu cầu.

Không giảm theo giá thế giới

Giá đường trên thị trường thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai tháng qua do hoạt động bán ra của các nhà đầu cơ và ảnh hưởng tăng giá của đồng USD. Giá đường từ mức 794 USD/tấn (29/1) giảm xuống mức 653 USD/tấn (25/2) và hiện dao động ở mức 673,7 USD/tấn.

Tháng Ba, giá đường thế giới còn có khả năng giảm nhẹ do nguồn cung được bổ sung khi Thái Lan vào vụ sản xuất mía đường. Tuy nhiên, giá đường tại thị trường trong nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Giá thu mua mía hiện vẫn đứng ở mức cao.

Tại miền Đông Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên, giá mía dao động trong khoảng 700.000-800.000 đồng/tấn. Miền Bắc từ 550.000-700.000 đồng/tấn. Một số nhà máy tổ chức mua mía ngoài vùng, có áp dụng giá cao hơn đến 50.000-70.000 đồng/tấn. Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá thu mua mía 10CCS tại ruộng là 850.000-900.000 đồng/tấn.

Mặc dù đang là vụ sản xuất, nguồn cung dồi dào, lượng đường tồn kho ở mức cao nhưng giá bán buôn đường trong nước trong tháng Hai vẫn tăng khoảng 1.000 đồng/kg do nhu cầu tiêu dùng vào tháng Tết tăng. Sau Tết, giá đường có giảm nhưng rất nhẹ, chỉ từ 200-400 đồng/kg. Hiện giá bán buôn đường kính trắng ở mức 16.400-17.300 đồng/kg, giá bán lẻ là 18.500-20.000 đồng/kg.

Bộ Công Thương dự báo, trong tháng Ba này, giá đường có thể giảm nhẹ. Tuy nhiên, mức giảm sẽ không được nhiều vì tác động của chi phí đầu vào tăng, giá mua mía vẫn ở mức cao. Trong khi đó, đường lậu vào ít hơn những năm trước do giá thế giới cao.

Tăng cường giải pháp bình ổn giá mặt hàng đường

Để bình ổn thị trường đường trong nước, ngoài 15.000 tấn đường đã phân bổ cho các thương nhân nhập khẩu để trực tiếp phục vụ sản xuất, ngày 12/2, Bộ Công Thương đã có thông tư quy định việc nhập khẩu bổ sung đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2010 với số lượng là 50.000 tấn đường trắng cho các doanh nghiệp thương mại. Thông tư này có hiệu lực ngay từ ngày ký.

Bộ Công Thương cũng đã phân bổ hết lượng nhập khẩu cho một số doanh nghiệp thương mại. Trong tháng Ba, một số nhà máy có thể sẽ kết thúc hoạt động sản xuất sớm do hết nguyên liệu. Dự kiến lượng mía ép được trong tháng tới khoảng 1,5 triệu tấn, sản xuất khoảng 150.000 tấn đường.

Theo đó, cả vụ sản xuất này ước tính chỉ đạt 950.000 tấn đường, trong khi nhu cầu tiêu dùng đường trong nước ước khoảng 1,3 triệu tấn. Cộng với lượng đường nhập khẩu hai đợt theo chỉ tiêu Bộ Công Thương phân bổ khoảng 200.000 tấn (đợt một là 150.000 tấn, đợt hai là 50.000 tấn) thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ đường trong nước.

Vụ sản xuất đường 2009/2010 dự kiến sẽ kết thúc vào tháng Năm, tháng Sáu. Trong khi đó, khi bắt đầu vào mùa nóng, nhu cầu tiêu thụ đường cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, để tránh tình trạng thiếu đường vào những tháng giáp vụ và Tết Trung thu sắp tới, tổ điều hành thị trường trong nước đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát liên tục kiểm tra lượng đường tồn kho tại các nhà máy nhằm tránh việc các doanh nghiệp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. Đề nghị một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội tiếp tục đưa mặt hàng đường vào diện bình ổn giá.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho rằng, cần phải xem xét việc tiếp tục cho nhập khẩu đường để đảm bảo đáp ứng cho tiêu dùng trong nước, bình ổn giá cả./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục