Thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định, thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện EuroCham cho rằng với GDP của Việt Nam năm 2009 là 103 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 1.200USD, sự ổn định về chính trị, cơ cấu dân số trẻ (57% dân số trong độ tuổi dưới 30), Việt Nam đã có ưu điểm lớn so sánh với các nước trong khu vực.
Phát biểu tại hội thảo “Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế” do Hiệp Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam tổ chức, Đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Lợi thế so sánh và những thiếu hụt

Đại diện EuroCham cho rằng với GDP của Việt Nam năm 2009 là 103 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 1.200USD, sự ổn định về chính trị, cơ cấu dân số trẻ (57% dân số trong độ tuổi dưới 30), Việt Nam đã có ưu điểm lớn so sánh với các nước trong khu vực.

Đầu tư nước ngoài được ghi nhận là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Khu vực kinh tế này cũng đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước và các cân đối vĩ mô.

Riêng trong 3 năm 2006, 2007 và 2008, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã nộp ngân sách đạt gần 5 tỷ USD, gấp 1,4 lần thời kỳ 2001-2005.

Sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế Việt Nam đã góp phần thúc đẩy quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo hướng ngày một rõ ràng, minh bạch, gần với các thông lệ quốc tế. Nguồn vốn này cũng thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng lưu ý, vẫn còn có những tồn tại trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Việc phân cấp toàn bộ cho Ủy ban Nhân dân các địa phương và Ban quản lý khu công nghiệp-khu chế xuất trong quản lý đầu tư nước ngoài tạo thế chủ động và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý địa phương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống quy hoạch chưa đồng bộ, đầy đủ, việc phân cấp toàn diện cho các địa phương đã bộc lộ một số hạn chế.

Nhận thức về thu hút và quản lý các nguồn vốn FDI tại các địa phương chưa đồng bộ, có khi nóng vội, thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến vấn đề chiến lược, thu hút đầu tư tại một số nơi còn chạy theo số lượng mà thiếu quan tâm đến chất lượng, ảnh hưởng đến các cân đối tổng thể của nền kinh tế.

Bản báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cũng đưa ra nhận định, cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương và giữa các bộ, ngành trong quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài còn yếu, chưa chặt chẽ. Khâu giám sát đầu tư còn yếu, chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm phát luật về đầu tư...

Giải pháp cần có


Để triển khai thực hiện việc tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, ông Hoàng nêu ra một số giải pháp, đó là cần tiếp tục rà soát pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi, hoàn thiện các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán.

Một số nguyên tắc cần có là thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân; không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, dự án tác động xấu đến môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án; cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất, kể cả đất khu công nghiệp.

Để thực hiện, các bộ, ngành cần nâng cao vai trò trong khâu thẩm tra dự án, có những tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật để ngăn chặn các dự án công nghệ lạc hậu và tác động xấu đến môi trường. Làm tốt công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch đồng thời cần công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư cũng được Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh trong bản báo cáo của mình.

Tại cuộc hội thảo này, đại diện EuroCham cũng nêu ra một thách thức lớn với Việt Nam là đồng bộ hóa các loại kết cấu hạ tầng khác nhau nhằm tăng dòng hàng hóa trong toàn bộ dây chuyền cung ứng. Cụ thể là cần phải cải thiện ngay khả năng tiếp cận cảng của đường bộ/đường sắt... Đây cũng chính là vấn đề mà ông Hoàng nhấn mạnh phải được giải quyết trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục