Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới khu vực Tây Tạng

Biến đổi khí hậu khiến các sông băng ở Tây Tạng (Trung Quốc) bị thu hẹp, lượng tuyết rơi giảm mạnh trong khi sa mạc hóa đất đai tăng.
Tác động của tình trạng Trái Đất nóng lên đang ảnh hưởng tới môi trường sinh thái của Khu tự trị Tây Tạng, nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc - các dòng sông băng bị thu hẹp ngày càng nhanh, lượng tuyết rơi giảm mạnh trong khi quá trình sa mạc hóa đất đai tăng.

Từ năm 1961 tới nay, mỗi thập kỷ, nhiệt độ trung bình ở khu vực Tây Tạng đã tăng 0,32 độ C, cao hơn so với mức tăng trung bình của các khu vực khác ở Trung Quốc cũng như toàn cầu.

Nhằm ngăn ngừa những tác động của tình trạng Trái Đất nóng lên, nhiều năm qua chính phủ Trung Quốc và chính quyền khu tự trị Tây Tạng đã chú trọng công tác bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững cho khu vực này, như hạn chế xây dựng các nhà máy sản xuất sắt thép, giấy, hóa chất và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm khác.

Hoạt động khai thác vàng cũng bị cấm từ năm 2006. Từ năm 2001, chính quyền khu đã đóng cửa 5 nhà máy ximăng, 7 nhà máy thép và 4 nhà máy giấy.

Từ năm 2001-2009, chính phủ Trung Quốc đã chi 8 tỷ NDT (gần 1,2 tỷ USD) cho công tác bảo vệ môi trường sinh thái ở Tây Tạng, tăng diện tích các khu vực rừng phòng hộ.

Trong kế hoạch từ nay đến năm 2030, Trung Quốc sẽ chi 15 tỷ NDT (2,2 tỷ USD) cho các dự án bảo vệ môi trường sinh thái ở Tây Tạng như chống sa mạc hóa, bảo vệ các đồng cỏ và trồng cây xanh.

Cũng liên quan tới diễn biến phức tạp của thời tiết tại Trung Quốc, Tân hoa xã cho biết kể từ tháng 12/2009, giá rét và những trận bão tuyết tồi tệ nhất tại khu vực Tân Cương trong vòng 60 năm trở lại đây đã khiến số người thiệt mạng lên tới 30 người.

Một quan chức cao cấp của địa phương cho biết thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng nặng nề tới 1,88 triệu người dân và gây thiệt hại kinh tế lên tới 2,66 tỷ NDT (khoảng 390 triệu USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục