Kinh tế Nhật suy giảm

Kinh tế Nhật suy giảm do ảnh hưởng của động đất

Sau thảm hoạ động đất và sóng thần, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong tháng Ba đã giảm mạnh 15,3% so với tháng trước đó.
Các chỉ số vừa được công bố cho thấy kinh tế Nhật Bản đang suy giảm do hậu quả từ thảm họa thiên nhiên hồi tháng Ba.

Theo số liệu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), trong tháng Ba, sản lượng công nghiệp của nước này đã giảm mạnh 15,3% so với tháng trước đó.

METI cho biết, sản lượng công nghiệp của tất cả 16 ngành sản xuất đều bị giảm do ảnh hưởng từ tình trạng thiếu điện và sự gián đoạn của hệ thống phân phối sau thảm họa động đất-sóng thần.

Giảm mạnh nhất là khối sản xuất phương tiện vận tải với mức giảm sản lượng lên tới 46,4%, sản lượng của khối doanh nghiệp cơ khí giảm 14,4% và của các doanh nghiệp hóa chất giảm 11,4%.

Tuy nhiên, METI tỏ ra lạc quan khi dự báo sản lượng công nghiệp sẽ phục hồi dần, có thể sẽ đạt mức tăng 3,9% trong tháng Tư và 2,7% trong tháng Năm.

Đối với thị trường lao động, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản dự báo do ảnh hưởng của thảm họa, sẽ có khoảng 3.155 người mất việc làm trong giai đoạn từ tháng Ba đến tháng Sáu.

Trong số đó, có tới 1.912 người mất việc làm do nơi làm việc bị phá hủy bởi sóng thần; 584 người bị sa thải do tình trạng gián đoạn hệ thống cung cấp linh kiện.

Cùng ngày, Cơ quan thẩm định tài chính Standard and Poor đã hạ điểm tín nhiệm về nợ công dài hạn của Nhật Bản xuống mức âm vì chi phí tái thiết vùng Đông Bắc nước này sẽ làm tăng gánh nặng nợ công, vốn đã ở mức cao nhất trong số các nước phát triển.

Các nhà phân tích dự đoán, công cuộc tái thiết ở miền Đông Bắc Nhật Bản sẽ tiêu tốn từ 167 đến 417 tỉ euro, trong khi chính phủ chưa có kế hoạch nào nhằm giảm bớt nợ công, theo ước tính bằng 200% GDP nhưng trên thực tế thì đã gấp 2,5 lần giá trị của nền kinh tế Nhật.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) hối thúc Nhật Bản tăng gấp đôi thuế VAT, từ 5% lên 10%, nhằm giúp Nhà nước có thêm chi phí tái thiết mà không làm tăng nợ công. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, tăng thuế là "tự sát" trong bối cảnh hoạt động kinh tế đang ở mức trì trệ.

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Ba của Nhật Bản giảm 0,1% và đây là tháng thứ 25 CPI giảm liên tiếp.

Ngày 28/4, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết, ngân hàng dự định sẽ điều chỉnh giảm mức tăng trưởng dự kiến và đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm phục hồi nền kinh tế.

Trong khi đó, đồng yen lại tăng giá trong phiên giao dịch sáng 28/4 tại thị trường chứng khoán Tokyo, ở mức 81,68 yên đổi 1 USD so với mức 81,78 yen/USD chiều 27/4. Tỷ giá tại thị trường New York là 82,12 yen/USD chiều 27/4./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục