Người tiêu dùng "gặp khó" trước trái cây ngoại

Không chỉ lo tin đồn trái cây nhập khẩu chứa chất bảo quản, người tiêu dùng còn đối mặt với chuyện xuất xứ của trái cây bị thay đổi.
Thời gian gần đây, nhiều bà nội trợ bị phân tâm trước tin đồn trái cây nhập ngoại chứa chất có hại cho cơ thể. Không những thế, họ cũng còn phải đối mặt với việc nhập nhèm giữa trái cây Trung Quốc được gắn mác Thái Lan, Mỹ để  phải chịu một giá cao…

Vừa ăn, vừa… lo

Sáng nào cũng thế, khi đã sắm đủ thực phẩm thiết yếu cho một ngày, chị Thu (nhà ở ngõ 637, Trương Định, Hà Nội) không quên rẽ vào cửa hàng bán trái cây để mong có thức ăn tráng miệng cho chồng con. Mấy hôm nay, nhiều thông tin về hoa quả ngoại nhập có chứa chất gây hại, chị Thu đâm lo. “Tuy báo chí nói tin chất độc trong trái cây là do đồn thổi, tôi vẫn… chọn giải pháp an toàn là mua hàng nội”, chị cho biết.

Lục tìm lại những kiến thức của mình, rồi tìm đến những người bán hàng quen mặt, chị Thu mới tìm được thứ trái cây trong nước. Vừa rồi, người nhà chị Thu bị ốm, người ta vào viện thăm, biếu nhiều thứ quả. Người bệnh ăn không hết, chị Thu đành đem về nhà cất vào tủ lạnh. Bỏ đi thì tiếc nên với những loại quả nghi ngờ “ngoại nhập", chị đem rửa kỹ, gọt vỏ trước khi ăn.

Cũng nghi ngại trái cây ngoại nhập, nhưng chị Thắm (Thanh Trì, Hà Nội) thường cố gắng chọn cho mình trái cây trong nước. Song, ở chợ ngoại thành, nhiều khi thấy những quả lê, cam ngon quá, giá cả lại phải chăng, chị vẫn mua về rửa kỹ, ngâm nước muối trước khi cho người nhà ăn.

“Thông tin thì nhiều nên cũng chẳng biết đằng nào mà tránh. Với lại, giờ thì ăn gì cũng bảo độc, nên cứ ăn thôi. Lo thì cứ lo, nhưng chẳng lẽ lại ‘khóa’ miệng,” chị nói.

Một người bán trái cây ở khu vực đường Ngọc Hồi (Thanh Trì) nói rằng, anh vẫn thường nhập hoa quả có xuất xứ từ chợ Long Biên về bán. Mấy hôm nay, lượng mua ở cửa hàng của anh có giảm đi đáng kể. Người mua thường chọn những quả bưởi da xanh, táo, thanh long, dưa hấu… có nguồn gốc trong nước.

Tuy nhiên, người bán hàng này cũng thừa nhận, đối với những người mua hàng để đi biếu, thăm người ốm thì mẫu mã vẫn là số một, chứ không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ.

Rảo bước qua chợ đầu mối rau quả Long Biên (Hà Nội), chúng tôi cũng nhận được cái nhìn ngao ngán của một số quầy bán trái cây. So với tháng trước, số lượng quả ngoại nhập của họ bán ra thị trường đã giảm.

Theo quan sát của phóng viên Vietnam+ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), nơi nhập khẩu nhiều loại trái cây của Trung Quốc thì lượng hàng thông qua trong ngày có vẻ giảm so với cùng kỳ năm 2009. Những chiếc xe tải chở hoa quả nằm đợi được kiểm dịch trước khi đi vào nội địa cũng ít hẳn.

Bà Nguyễn Thị Hà, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch Thực vật Tân Thanh (thuộc Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 7 Lạng Sơn) cho hay, mùa vụ nhập trái cây Trung Quốc nhiều nhất vào Việt Nam từ tháng 8 âm lịch năm trước đến hết rằm tháng giêng năm sau. Năm nay, trung bình lượng quả nhập khẩu (táo, lê, cam, quýt) vào khoảng 500-600 tấn/ngày. Tuy nhiên, mấy hôm nay con số đó giảm 50%.

Lý giải nguyên nhân, bà Hà nói rằng do chênh lệch tỷ giá giữa tiền Trung Quốc và đồng Việt Nam đợt này tăng cao. Ngoài ra, sức mua của thị trường trong nước với trái cây của Trung Quốc hiện chững lại.

Nhập nhèm nguồn gốc

Khi được hỏi về tình hình buôn lậu các loại trái cây qua đường tiểu ngạch, bà Hà cho biết hầu như không có bởi mặt hàng nông sản này không bị đánh thuế. Hơn nữa, do giá thành hạ, mà công vận chuyển đường núi thì cao nên không thương lái nào lại dại dột đi thuê cửu vạn buôn lậu mặt hàng này.

Năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định về xuất nhập khẩu trái cây. Theo đó, các loại hoa quả của 2 nước khi qua cửa khẩu đều phải có bao bì ghi rõ nguồn gốc, nhãn mác, địa chỉ nơi trồng, nơi bao gói… để truy xuất nguồn gốc của hàng hóa khi cần thiết.

Bà Hà cũng cho hay, phía các tiểu thương của Trung Quốc thường thực hiện khá nghiêm túc việc niêm yết nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Tuy nhiên, theo ghi nhận các loại trái cây được bán trên thị trường Hà Nội, rất nhiều loại quả, thùng hàng đã không còn nhãn mác.

Một cán bộ kiểm dịch nói rằng, khi trái cây được vận chuyển về chợ Long Biên, người ta đã xé lẻ thùng hàng để tiêu thụ khắp nơi nên gây ra hiện tượng mất nhãn mác. Nhiều trường hợp, một số tiểu thương hám lợi đã chọn trái cây loại đẹp, ngon rồi lột bỏ bao bì, nhãn mác sau đó “hô biến” trái cây Trung Quốc thành hoa quả nội địa hoặc từ các nước như cam Thái Lan, táo Mỹ…

Việc làm gian lận này đã làm khó cho các nhà quản lý khi muốn truy xuất nguồn gốc xuất xứ của hoa quả ngoại nhập đang tiêu thụ trên thị trường nội địa. Còn với người tiêu dùng, đó chính là một “thử thách” về kinh nghiệm khi chọn mua hoa quả để xứng với “tiền nào của nấy” cũng như an tâm hơn về chất lượng./.
 Kiểm tra trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc

Ngày 25-26/1, đoàn thanh tra của Cục Bảo vệ Thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) do ông Trịnh Công Toản dẫn đầu, đã đi kiểm tra, lấy mẫu trái cây Trung Quốc nhập khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).

Sau khi kiểm tra tình hình kiểm dịch thực vật, đoàn đã lấy 10 mẫu trái cây (quýt, cam, táo, lê) để đem về Hà Nội phân tích. Theo dự kiến, sau 1 tuần sẽ có kết quả.

“Chúng tôi hy vọng, đợt phân tích này sẽ có kết quả chính xác nhất để công bố đến người tiêu dùng thông tin về chất lượng của trái cây nhập khẩu,” ông Toản nói.

Trước đó, trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên Vietnam+, ông Toản cũng cho biết, có nhiều thuốc bảo vệ thực vật không thể kiểm tra được vì không biết được hoạt chất của nó. Thực tế, đơn vị này cũng từng lấy mẫu quả nhập khẩu, song không phát hiện ra hoạt chất bảo quản là loại chất gì vì không có chất đối chứng.
Kỳ Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục