EU chia rẽ trong vấn đề áp thuế da giày Việt Nam

Báo Bỉ "Buổi chiều" đưa tin việc EU tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với giày da của Việt Nam đã gây chia rẽ trong nội bộ EU.
Báo Bỉ "Buổi chiều" ngày 23/12 đưa tin việc Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng nữa đối với giày mũ da nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đã gây chia rẽ trong nội bộ các nước thành viên EU.

Tờ báo viết: "Các nước vẫn còn một nền công nghiệp giày như Italy thì ủng hộ phán quyết này, ngược lại, những nước ở Bắc Âu thì phản đối đến cùng. Nhiều nhà sản xuất châu Âu, vốn đang sản xuất một khối lượng lớn giày ở châu Á (như Adidas, Puma hoặc Timberland, và cả PME) cũng kiên quyết chống lại việc tiếp tục áp mức thuế này".

Phóng viên báo "Buổi chiều" có mặt tại Hà Nội đã dẫn lời bà Nguyễn Thị Tòng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày Việt Nam nói rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vốn đã khiến kim ngạch xuất khẩu giày của Việt Nam giảm 16% năm 2009, nay đến EU, khách hàng lớn nhất của các nhà sản xuất giày Việt Nam, lại quyết định kéo dài việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da.

Điều này đã gây khó khăn nghiêm trọng cho người lao động trong ngành sản xuất giày của Việt Nam.

Phóng viên báo "Buổi chiều" còn viết rằng ngành công nghiệp giày da Việt Nam đang sử dụng 650.000 lao động nữ và 85% trong số này xuất thân từ nông thôn. Họ đã rời bỏ làng quê để ra làm việc trong các nhà máy giày ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hải Phòng.

Việc áp thuế chống bán phá giá của EU khiến nhiều nhà máy phải giảm sản xuất, những nhà máy nhỏ thậm chí phải đóng cửa. Hàng chục nghìn lao động sẽ phải đương đầu với những khó khăn lớn trong cuộc sống do mất việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục