Thị trường chứng khoán châu Á biến động bất nhất

Các thị trường chứng khoán châu Á ngày 21/11 biến động bất nhất do các nhà kinh doanh cổ phiếu đang bị giằng co bởi hai nhân tố.
Trong phiên giao dịch ngày 21/11 tại thị trường châu Á, các thị trường chứng khoán biến động bất nhất, do quyết định đầu tư của các nhà kinh doanh cổ phiếu đang bị giằng co bởi hai nhân tố chính, một là lòng tin vào khả năng ngăn chặn “vách đá tài chính” của Mỹ và một bên là sự thất vọng khi cuộc họp các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không mang lại kết quả như mong đợi.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 79,88 điểm (0,87%), lên 9.222,52 điểm, do đồng yên bất ngờ sụt giá sau khi Nhật Bản công bố số liệu yếu kém về hoạt động thương mại của nước này trong tháng 10/2012.

Trong khi đó, tại thị trường Seoul của Hàn Quốc và Sydney của Australia, hai chỉ số Kospi và S&P/ASX200 lại lần lượt hạ 6,14 điểm (0,32%) và 16,2 điểm (0,37%), xuống mức 1.884,04 điểm và 4.369,5 điểm.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại đồng loạt tăng điểm nhờ những hy vọng vào khả năng ngăn chặn “vách đá tài chính” của Mỹ, sau khi Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố báo cáo tích cực về thị trường nhà ở của nước này trong tháng 10/2012. Khép lại phiên này, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng tăng 21,40 điểm (1,07%) và 296,08 điểm (1,39%), lên 2.030,32 điểm và 21.524,36 điểm.

Sau cuộc họp khẩn cấp kéo dài gần 12 tiếng đồng hồ tại Brussels (Bỉ) vào ngày 20/11, các bộ trưởng tài chính Eurozone vẫn không đạt được thỏa thuận giải ngân khoản cho vay cứu trợ 31,5 tỷ euro (40 tỷ USD) cho Hy Lạp để "cứu" nước này khỏi rơi vào cảnh phá sản. Đây là cuộc họp thứ hai liên tiếp các bộ trưởng tài chính Eurozone không đi tới sự đồng thuận trong vấn đề này, do chưa giải quyết được bất đồng về giải bài toán nợ nần của Hy Lạp mà không làm tăng thêm gánh nặng lên những những người nộp thuế trong nước.

Các bộ trưởng Eurozone thiên về hướng cho Hy Lạp thêm thời hạn hai năm, đến năm 2022, để đưa nợ từ ước khoảng 176% GDP trong năm nay về mức 120% GDP, trong khi IMF vẫn cho rằng nên đạt được mức này vào năm 2020 như mục tiêu ban đầu đã đề ra. Thông tin này đã làm không ít nhà đầu tư thất vọng và đẩy một số sàn giao dịch chứng khoán Á vào “sắc đỏ.”

Dự kiến, các bộ trưởng Eurozone sẽ trở lại bàn thảo luận vào đầu tuần tới để giải quyết về mặt kỹ thuật một số vấn đề trong gói cứu trợ này./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục