Ủy ban KHCN và Môi trường họp phiên toàn thể

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã họp phiên toàn thể lần thứ hai.
Để chuẩn bị một số nội dung cho kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII, ngày 17/10, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ hai.

Khai mạc phiên họp, ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, trong phiên họp diễn ra từ 17-19/10 này, Ủy ban sẽ nghe Bộ Khoa học Công nghệ báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách cho khoa học công nghệ năm 2011; dự kiến nhiệm vụ, ngân sách khoa học và công nghệ năm 2012.

Bộ Tài nguyên môi trường báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách bảo vệ môi trường năm 2011; dự kiến nhiệm vụ, ngân sách bảo vệ môi trường năm 2012.

Bộ Công Thương báo cáo về tình hình thực hiện dự án Thủy điện Sơn La, dự án Thủy điện Lai Châu trong năm 2011, dự kiến kế hoạch năm 2012.

Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án Đường Hồ Chí Minh trong năm 2011, dự kiến kế hoạch năm 2012.

Ủy ban cũng sẽ thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tổng kết dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng và kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh, năm 2011, kinh phí sự nghiệp khoa học đã được điều chỉnh theo hướng sát với tình hình thực tế thu-chi ngân sách của từng địa phương.

Do được hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách kịp thời, các tỉnh, thành phố đã có sự chuẩn bị nhiệm vụ tốt, làm cơ sở phân bổ ngân sách.

Dự kiến đến ngày 31/12/2011, cơ bản các tỉnh, thành phố sẽ sử dụng hết số kinh phí được phân bổ trong năm, việc chuyển nguồn sang năm 2012 sẽ không đáng kể.

Phần lớn kinh phí sự nghiệp khoa học được dành cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm, trong đó kinh phí cho các nhiệm vụ thực hiện theo cơ chế đặt hàng chiếm khoảng 50% tổng kinh phí triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Điều này thể hiện đã có sự chuyển biến tích cực xuất phát từ cách tiếp cận thực tế về nhu cầu của từng địa phương.

Theo dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2011, ngân sách dành cho hoạt động khoa học công nghệ đã được Quốc hội phê duyệt là 11.499 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2010, được phân bổ theo cơ cấu: Kinh phí đầu tư phát triển là 5.069 tỷ đồng; kinh phí sự nghiệp khoa học 6.430 tỷ đồng.

So với các năm trước, tình hình phân bổ và sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học năm 2011 của các địa phương đã được cải thiện; sử dụng đúng mục đích (60% chi cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm).

Tuy nhiên, còn một số địa phương sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học chi cho những nhiệm vụ không thuộc lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ.

Tình hình phân bổ và sử dụng kinh phí đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ của các tỉnh, thành phố đã có nhiều điểm mới, có những chuyển biến mới, tích cực, chủ động hơn.

Hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2015 đặt ra một số mục tiêu như tăng gấp 1,5 lần số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ so với giai đoạn 2006-2010; xây dựng 4.000 tiêu chuẩn quốc gia; ban hành 1.000 quy chuẩn kỹ thuật; bảo đảm 100% các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất vệ sinh, an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường được quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật.

Bộ Khoa học Công nghệ cũng đặt mục tiêu phát triển 3.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ; hình thành 30 tổ chức nghiên cứu và phát triển có cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại và năng lực nghiên cứu mạnh để giải quyết những vấn đề lớn của quốc gia, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

Bộ đề nghị phương án ngân sách cho ngành khoa học công nghệ năm 2012 tăng khoảng 12% so với năm 2011, bằng khoảng 13.353 tỷ đồng.

Đề cập một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2012, Bộ Khoa học Công nghệ đề nghị Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường ủng hộ việc xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt là việc cho phép doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương được trích 10% lợi nhuận trước thuế vào Quỹ phát triển khoa học công nghệ.

Một số cơ chế đặc biệt phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ cũng được đề xuất như cơ chế thuê chuyên gia nước ngoài, cơ chế hỗ trợ mua bí quyết công nghệ...

Theo Bộ Khoa học Công nghệ, mức đầu tư cho khoa học công nghệ cũng cần tăng để đến 2015 chi ngân sách cho ngành đạt mức 2,2-2,3%...

Thảo luận tại phiên họp, các ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã cho ý kiến về nhiều nhóm vấn đề. Đáng chú ý là việc đảm bảo thực hiện mục tiêu tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học công nghệ; xác định các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản có trọng điểm theo yêu cầu phát triển của đất nước; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ quốc phòng an ninh và mục đích công cộng.

Nhiều ý kiến đồng tình hoạt động khoa học công nghệ trong giai đoạn tới cần tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án khoa học công nghệ quốc gia; nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu và sản xuất, phát triển thị trường khoa học công nghệ; huy động mọi nguồn lực xã hội; phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, thị trường khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ.../.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục